Về hoạt động xét xử lưu động

08:44, 10/12/2015

Xét xử lưu động (XXLĐ) không chỉ là hoạt động chuyên môn, phục vụ nhiệm chính trị của tòa án mà còn là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Hoạt động này được tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh triển khai thực hiện khá nghiêm túc trong thời gian qua. Để tổ chức 1 buổi XXLĐ cần chuẩn bị công phu về mọi mặt nhưng không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và cấp huyện, trung bình mỗi năm, TAND 2 cấp của tỉnh thực hiện XXLĐ hàng trăm vụ án. Địa điểm được lựa chọn tổ chức xét xử rất đa dạng từ thành phố đến các xã, xóm, bản vùng sâu, xa. Trước khi tổ chức phiên tòa lưu động, tòa án phối hợp với các cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát) lựa chọn những vụ án hình sự có tính chất nổi cộm, điển hình, được nhiều người quan tâm mục đích để vừa nâng cao chất lượng xét xử vừa đem lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ tòa án trực tiếp đến cơ sở để phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phân công, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như hội trường xét xử, hệ thống truyền thanh; gửi thông báo cho các tổ chức hội, đoàn thể, xóm, tổ dân phố; đảm bảo an ninh... Nhìn chung. mọi công việc được lên kế hoạch, triển khai nghiêm túc. Vậy nhưng, qua nhiều lần được tham dự buổi XXLĐ, chúng tôi nhận thấy, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua XXLĐ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

Vận chuyển, lưu hành tiền giả là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng và làm tổn hại đến nền kinh tế, an ninh quốc gia, mất ổn định chính trị. Xác định được tính chất nghiêm trọng đó, TAND tỉnh đã đưa vụ án vận chuyển trên 100 triệu đồng tiền giả do 2 bị cáo Nông Đình Chiến và Hứa Văn Báo cùng ở huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) ra XXLĐ tại Hội trường Trung tâm Văn hoá huyện Phú Lương. Vậy nhưng, trong suốt thời gian diễn ra buổi xét xử, ngoài cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng, lực lượng Công an làm công tác hỗ trợ tư pháp có mặt tại phiên tòa thì hầu như vắng bóng người dân. Thậm chí, thân nhân của những bị cáo cũng không có mặt vì nhà ở quá xa. Hội trường rộng với hàng trăm chỗ ngồi bị bỏ trống. Ngược lại, trong vụ XXLĐ tại xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đối với 2 bị cáo Lê Văn Sơn (sinh năm 1978, trú tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ), Dương Thị Lâm (sinh năm 1967, trú tại xóm Đồng Tẻ, xã Hóa Trung) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” lại thu hút đông đảo quần chúng nhân dân. Chỉ tiếc rằng, hội trường UBND xã quá hẹp với số lượng ghế ít ỏi đã không đủ chỗ cho người dân. Phần lớn họ phải ngồi ngoài hiên, sân bê tông ở phía ngoài để lắng nghe qua loa phóng thanh. Lại có những phiên XXLĐ diễn ra tại hội trường tầng 2 của trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nên người dân ngại đến xem.

 

Cùng với thực trạng trên, vấn đề về chất lượng âm thanh, sự cố về điện hay đảm bảo an ninh trật tự (nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, giết người) cũng gây khó khăn cho lực lượng giữ gìn an ninh, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử cũng như nhu cầu lắng nghe của người dân.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Bắc, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh chia sẻ: Ngoài thực trạng nêu trên, việc tổ chức một phiên tòa XXLĐ còn gặp một số khó khăn như: tăng âm, loa đài mà Tòa được trang bị thiếu đồng bộ, phần vì cũ, xuống cấp nên chất lượng chưa đảm bảo. Hơn thế, thực hiện một phiên XXLĐ rất vất vả nhưng kinh phí hỗ trợ cho cán bộ phục vụ và thẩm phán cũng như hội thẩm nhân dân còn quá thấp (35 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/người/ngày xét xử tùy theo nhiệm vụ của từng người) nên một số người có tâm lý e ngại khi được phân công đi XXLĐ.

 

Ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND huyện Phú Bình cho biết thêm: Hiện nay, do chưa được trang bị phương tiện (xe ô tô chở thiết bị phục vụ phiên tòa) nên việc XXLĐ của đơn vị rất vất vả, thậm chí phải thuê xe ngoài, trong khi kinh phí rất hạn hẹp (chủ yếu theo sự phân bổ của ngành). Trong khi đó nhiều buổi, số lượng người dân đến xem rất ít nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài TAND thành phố Thái Nguyên thì hầu hết các tòa cấp huyện đều chưa được trang bị phương tiện phục vụ cho hoạt động XXLĐ. Đến nay, vẫn chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong tổ chức XXLĐ cũng như với các địa phương mà chỉ hoạt động theo nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện. Ngoài ra, do nhận thức của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo địa phương còn hạn chế mà công tác thông báo, tuyên truyền cho người dân đến xem phiên XXLĐ chưa được đề cao. Có nơi còn coi đây là công việc riêng của tòa. Cũng có trường hợp, bị cáo là người thân của cán bộ, lãnh đạo địa phương đó nên việc phối hợp với tòa chưa tích cực, đặc biệt là việc thông báo đến người dân. Với những khó khăn như đã nêu trên, đại diện TAND 2 cấp đều mong rằng, HĐND tỉnh và các cấp nói chung quan tâm hơn, hỗ trợ về kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để phục vụ cho XXLĐ, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo đối với các cấp chính quyền trong việc phối hợp với tòa án để thực hiện có hiệu quả hoạt động này.

 

Xuất phát từ thực tế thì rõ ràng những đề xuất trên là chính đáng. Tuy nhiên chúng tôi, để hạn chế tối đa những tồn tại trên, trước hết, TAND các cấp cần cân nhắc kỹ hơn về mọi mặt như lựa chọn vụ án, địa điểm xét xử và phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương trước khi tổ chức phiên XXLĐ. Cũng phải nói thêm rằng, những vụ án được lựa chọn XXLĐ chủ yếu là án hình sự về ma túy, giết người, cố ý gây thương tích, còn những vụ án khác như chống người thi hành công vụ, tham nhũng, vi phạm an ninh quốc gia, kinh tế lại rất ít, trong khi, đây cũng là những vấn đề nổi cộm, được nhiều người dân quan tâm.