Tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

08:50, 03/01/2016

Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong năm 2015 công tác xây dựng pháp luật được xác định là hoạt động trọng tâm của các kỳ họp Quốc hội. Nhiều dự án luật, Bộ luật quan trọng đã được xem xét thông qua góp phần hoàn thiện bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh...

* Thông qua nhiều luật, Bộ luật quan trọng

 


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 50 luật, pháp lệnh, nghị quyết triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Hai kỳ họp thứ 9 và 10 của Quốc hội khóa XIII diễn ra trong năm 2015 là chặng nước rút, Quốc hội đã thảo luận, thông qua các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Việc kịp thời sửa đổi, ban hành các đạo luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước từ Trung ương tới sơ sở; tiếp tục đổi mới công tác bầu cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới; khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước.

 

Tại kỳ họp thứ 10, vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đây là hai bộ luật mang tính "rường cột", có ý nghĩa quan trọng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định trật tự, an toàn xã hội cho sự phát triển kinh tế- xã hội.

 

Điểm nổi bật trong lần sửa đổi này, Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung nhiều quy định để cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Một nội dung nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhiều đại biểu Quốc hội qua 3 lần thảo luận tại hội trường đó là việc Bộ luật quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trường hợp này, Tòa án có thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng. Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp một bên hoặc các bên quan hệ dân sự có yêu cầu. Bộ luật dân sự cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó có việc xác định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cả cá nhân và pháp nhân.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã thể hiện rất sâu sắc quan điểm của Đảng là hướng thiện trong xử lý hình sự, nhân đạo hóa chính sách hình sự, xuyên suốt từ quy định chung cho đến các quy định đối với các tội phạm cụ thể. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội gồm tội cướp tài sản, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy, tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch. Ngoài ra, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử... Bộ luật đã hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi: bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”; sửa đổi nguyên tắc “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 71 của Bộ luật này” (khoản 4 Điều 69 Bộ luật hình sự 1999) theo hướng ưu tiên đánh giá, áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp giáo dục, giám sát trước, nếu xét thấy không có tác dụng răn đe, phòng ngừa thì mới cân nhắc xem xét áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không phải là hình phạt; xác định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung 3 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cả 2 Bộ luật đều có nhiều cải cách để tiếp tục thể chế hóa những chủ trương của Đảng về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật (Nghị quyết 48), cải cách tư pháp (Nghị quyết 49) và Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền dân sự cá nhân, pháp nhân. Qua đó, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo cơ sở pháp lý quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm...

 

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp, kỳ họp thứ 10 Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam. Qua đó tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục về tố tụng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

 

Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác góp phần bảo đảm đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp để thực hiện các quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát tối cao của Quốc hội. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhiều dự án Luật nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

 

* Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

 

Năm 2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đổi mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng thời, góp phần xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường tính chủ động và đề cao vai trò của Chính phủ trong đề xuất, xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương phù hợp với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi phân cấp, phân quyền; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát huy dân chủ, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ với các nội dung liên quan của các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết một trong những điểm mới cơ bản của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm nhằm bảo đảm tính chủ động và linh hoạt hơn trong công tác lập pháp. Đặc biệt, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc bổ sung quy trình phân tích chính sách vào ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

Thực hiện chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, tiếp tục giảm được 05 loại văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, bám sát các quy định của Hiến pháp về nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Luật mới đã quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tính chất, mức độ, phạm vi thẩm quyền của từng chủ thể; cụ thể hóa nguyên tắc ủy quyền lập pháp và ủy quyền ban hành văn bản quy định chi tiết...

 

Với những nội dung đổi mới quan trọng trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nếu được thi hành tốt ở các cấp, các ngành, các địa phương sẽ là công cụ mạnh mẽ, tin cậy giúp Nhà nước ta có một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, dễ tiếp cận, trong quá trình chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, thực chất và tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu./.