Công khai tài sản, thu nhập người ứng cử

14:47, 23/02/2016

Nhiều ý kiến cho rằng, cần công khai tài sản, thu nhập người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để cử tri kiểm tra, giám sát cũng như tăng cường tổ chức các buổi đối thoại với cử tri.

Theo quy định Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND, Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia và các văn bản hướng dẫn, người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), người ứng cử đại biểu HĐND có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ngoài việc công khai tại nơi thường xuyên làm việc còn phải công khai tại hội nghị cử tri theo quy định của Hội đồng bầu cử. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử hiện còn rất hình thức, thậm chí là không được thực hiện…

 

Về vấn đề này, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, kê khai tài sản, thu nhập lâu nay vẫn mang tính hình thức, cần quy định cụ thể hơn nữa. Còn đối với người ứng cử vào Quốc hội, HĐND là những người được chọn lọc tiêu biểu, nên càng phải là tấm gương trong kê khai tài sản, thu nhập  để tạo niềm tin cho cử tri.

 

Nhấn mạnh việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ là cơ hội để sàng lọc, lựa chọn đối tượng tiêu biểu mẫu mực vào Quốc hội, qua đó sẽ được cử tri tín nhiệm, ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc quy định ứng cử viên tự nguyện kê khai, còn cơ quan có thẩm quyền công khai với cử tri là cần thiết. Nếu cử tri thấy chưa minh bạch, rõ ràng thì kiến nghị với tổ chức bầu cử để xác minh và thông báo cho cử tri biết kết quả để cử tri có phương án bầu chuẩn xác. “Công khai và có ý kiến giám sát của cử tri để chọn lựa bầu cử người có tâm, có tài là giải pháp thiết thực. Còn không, nếu kê khai tài sản, thu nhập không đúng cũng là bước để “chặn” ngay từ lúc đang là ứng cử viên, tránh tình trạng bầu tù mù, về sau giải quyết hậu quả sẽ phức tạp”- ông Lê Văn Cuông bày tỏ.

 

Chỉ ra thực tế thời gian qua, chủ yếu người dân, cán bộ vẫn chi tiêu bằng tiền mặt, mới chỉ trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản, mà lương chỉ là phần nhỏ thu nhập, còn chủ yếu là các khoản “ngoài luồng”…, ông Lê Văn Cuông cho rằng, biện pháp lâu dài và tốt nhất hướng đến là kiểm soát chi tiêu qua tài khoản, hạn chế tiêu tiền mặt thì mới ngăn chặn được tham nhũng, lúc đó kê khai mới đi vào thực chất,  tránh tình trạng “mông lung”và không quản lý được thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức như hiện nay.

 

Đồng quan điểm, PGS. TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng đặt vấn đề : “Kê khai tài sản có công bố trong danh sách cử tri để cho người ta biết không? Nếu không công bố thì chẳng có nghĩa lý gì”. Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Dinh, bầu cử là do cử tri tín nhiệm, có những vấn đề quan trọng cần phải làm trước kê khai tài sản, thu nhập. “Cái chính là cần trao đổi với cử tri để cử tri lựa chọn thì sẽ thực chất hơn” -  ông Đặng Ngọc Dinh nói.

 

Ví dụ: Những người ứng cử có nhiều tài sản khi gặp cử tri sẽ hỏi “Anh làm gì mà có nhiều nhà, tài sản thế? Tiền ở đâu ra?". Nếu họ giải thích được tiền, tài sản từ thu nhập chính đáng thì cử tri sẽ bầu.

 

Theo đó, ông Đặng Ngọc Dinh cho rằng, nên tiến hành gặp gỡ cử tri để người ứng cử, đề cử trình bày quan điểm, chương trình hành động, qua đó cử tri biết được người ứng cử như thế nào, đóng góp như thế nào cho Quốc hội. Lúc đó, cử tri sẽ hiểu được và lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng.

 

“Chúng ta nên làm từng bước phục vụ cho bầu cử, cũng là công khai, minh bạch nhưng công khai về quan điểm, ý kiến trình bày trước cử tri, để cử tri hỏi vấn đáp rồi giải trình hơn là đi vào  kê khai tài sản” - ông Đặng Ngọc Dinh bày tỏ./.