Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị, không điều chỉnh với trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, các trang thông tin này tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.
Tiếp tục Phiên họp thứ 45, sáng 18/2, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên UBTVQH là việc có hay không quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Đây là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, khác với báo chí, những sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức thực hiện, được xuất bản định kỳ nhưng không quảng bá rộng rãi (bản tin) hoặc xuất bản không định kỳ mà theo sự kiện, chủ đề (đặc san). Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã quy định về các sản phẩm này tại các khoản 10, 11, 24 Điều 4; khoản 2 Điều 10; khoản 5 Điều 20 (dự thảo cũ).
Khác với những sản phẩm trên, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Do vậy, UBTVQH đề nghị, không điều chỉnh với trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, các trang thông tin này tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này đã tương đối hoàn thiện hơn rất nhiều so với bản đầu tiên, trong đó có rất nhiều vấn đề ông đồng tình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh xu hướng hiện nay là tra cứu thông tin tập trung trên mạng rất nhiều và ngày càng tăng, quy định về kiểm soát thông tin trên mạng hiện đang mỏng, không đáp ứng được thực tiễn hiện nay. Theo ông, thông tin trên mạng có 3 loại: thứ nhất là các cơ quan được lập cơ quan báo chí, thứ hai là tư nhân (blog, mạng xã hội), đặc biệt là loại thứ 3 nằm ngoài phạm vi quốc gia. “Ít nhất là phải kiểm soát được cái bên trong nước, nếu không ra được cái này thì luật chỉ đạt 40% về yêu cầu quản lý báo chí”– ông Ksor Phước phát biểu.
Tổng thư ký Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc cũng bày tỏ quan điểm về việc dự luật đưa trang thông tin điện tử ra khỏi phạm vi điều chỉnh. “Tôi xin hỏi đây có phải là báo chí không? Hiện nay, có những trang có thể có hàng triệu bạn đọc. Nội dung trang này là cóp nhặt, tổng hợp từ báo chí, mạng đưa vào” – ông nói.
Một vấn đề khác được nhiều thành viên UBTVQH thảo luận trong phiên họp là về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Dự thảo luật quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là “1. Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên được thành lập Tạp chí khoa học”.
Thống nhất quan điểm không cho phép tư nhân thành lập cơ quan báo chí, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn khi dự thảo luật mới không đề cập đến những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, những doanh nghiệp lớn. “Hiện nay, những tập đoàn kinh tế lớn đang có những loại hình báo chí như tạp chí, báo, trang điện tử nhưng không thấy luật đề cập, vậy sẽ xử lý như thế nào?”
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Truyền thông xã hội phát triển mạnh nhưng dự thảo Luật không điều chỉnh các hình thức thông tin mạng vì đã được quy định chặt chẽ trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Luật này điều chỉnh hoạt động báo chí nhà nước chứ không điều chỉnh truyền thông xã hội. “Nếu đưa trang tin điện tử, trang mạng, blog cá nhân vào đây thì vô hình trung chúng ta thừa nhận tất cả những loại hình này là báo chí. Quan điểm nhất quán của chúng ta cho đến nay là không chấp nhận báo chí tư nhân” – Bộ trưởng giải trình.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể nói có Nghị định rồi thì không đưa vào Luật, bởi tất cả những gì liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải được quy định trong Luật. “Bây giờ xu hướng đọc khác xưa rồi, người ta mở cái điện thoại ra là có thông tin. Các đồng chí nói rằng đó không phải báo nên tôi không quản lý thì không được” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm rất thận trọng luật này bởi đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thông suốt, chưa nhận được sự đồng thuận cao.
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). /.