Trưng dụng tài sản người dân khi khẩn cấp

08:09, 16/02/2016

Từ ngày 15/2, Thông tư 01/BCA của Bộ Công an quy định Cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng tài sản chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện Thông tư này ngay ngày đầu triển khai còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Phản hồi dư luận

 

Anh Đinh Tiến Xuân ở Hà Đông, lái xe chạy tour du lịch cho rằng, triển khai Thông tư 01/BCA, song lực lượng chức năng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để trưng dụng các loại phương tiện đang tham gia giao thông và phương tiện thông tin liên lạc... Các phương tiện cá nhân, xe không bận việc quan trọng thì có thể trưng dụng để làm nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu người bị tai nạn, truy đuổi tội phạm... “Đối với xe chạy tour như tôi, nếu xe đang chở khách mà bị lực lượng chức năng trưng dụng sẽ ảnh hưởng đến công việc. Tôi ủng hộ chủ trương này, nhưng lực lượng chức năng phải thực hiện quyền này trong khuôn khổ pháp luật, không lợi dụng quyền hạn để gây khó khăn đến người dân”, anh Xuân nói.

 

Ông Bùi Đức Thiện ở TP Vinh (Nghệ An) không khỏi lo ngại vì có thể bị kẻ mạo danh CSGT lợi dụng, trong khi người dân không biết phân biệt “thật giả” thế nào. Mặt khác, nếu CSGT trưng dụng tài sản như: Điện thoại, xe máy, ô tô... thì việc bảo mật thông tin cá nhân sẽ không được đảm bảo, chưa kể sẽ làm gián đoạn liên lạc gây ảnh hưởng công việc. Theo ông Thiện, việc ra văn bản pháp luật như thế nào cũng phải dựa trên quyền lợi của người dân và thực hiện phải chặt chẽ, nếu không sẽ vô tình biến những vấn đề đang tích cực trở thành tiêu cực...

 

Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại nút giao Tràng Tiền - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng, Trung úy Nguyễn Mạnh Dũng, Đội 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết: “Thông tư 01/BCA của Bộ Công an quy định về việc trưng dụng các phương tiện đang tham giao thông không phải là lần đầu, mà đã có từ năm 2012. Tuy nhiên, người dân hết sức yên tâm, cảm thông và chia sẻ với công an giao thông, vì chúng tôi chỉ trưng dụng phương tiện đang tham gia giao thông trong điều kiện khẩn cấp như: Cấp cứu, bắt cướp...”.

 

Trung úy Dũng cho rằng, việc gì cũng có hai mặt. Có thể có “con sâu làm rầu nồi canh”, việc trưng dụng cũng có thể dẫn đến cá biệt có CSGT lạm dụng quyền hạn gây nhũng nhiễu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Nhưng việc trưng dụng này thì trong Thông tư đã quy định rõ ràng. Nếu người dân một mực không đồng ý vì lý do gì đó, thì không một người CSGT nào có thể trưng dụng. Về việc sẽ bị kẻ xấu lợi dụng CSGT để lừa người dân, trung úy Dũng cảnh báo: “Khi bị CSGT trưng dụng các phương tiện hay tài sản thì người dân phải quan sát các phương tiện, trang bị và bắt buộc người đó phải trình giấy tờ, rồi đối chiếu cẩn thận, nếu đúng mới đồng ý trao phương tiện, trang bị, tránh bị kẻ xấu lừa gạt...”.

 

Cần tạo sự đồng thuận

 

Theo Điểm 6, khoản 5 Thông tư 01/BCA, lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị”, phục vụ công tác chuyên ngành, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp như: Cứu hộ, cứu nạn, truy bắt tội phạm...

 

Để triển khai có hiệu quả thông tư này trong thực tế, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đã có Công văn số 525/C67 - P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải thích rõ, hướng dẫn lực lượng chuyên ngành thực hiện văn bản này, nhằm giúp người dân yên tâm và tạo điều kiện cho lực lượng CSGT hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Thông tư 01/BCA không đi ngược lại những văn bản pháp luật hiện hành như Luật Trưng mua, Trưng dụng Tài sản năm 2008 (về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...) và Luật Công an nhân dân năm 2014. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT các địa phương đều được tập huấn triển khai thực hiện các trường hợp trưng dụng tài sản của người dân trước khi văn bản này có hiệu lực ngày 15/2. Lực lượng CSGT chỉ thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Những trường hợp CSGT được huy động, trưng dụng tài sản của người dân phải là trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

 

Trao đổi vấn đề này, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT - Bộ Công an) khẳng định: Theo quy định tại Thông tư 01/BCA, trong tình huống khẩn cấp, liên quan bắt giữ tội phạm, lực lượng CSGT có thể điện thoại trực tiếp với các lực lượng chức năng khác để phối hợp bắt giữ nóng. Tuy nhiên, người điện thoại chỉ đạo phải là người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tin báo đó. Trong những trường hợp, người dân bị trưng dụng tài sản có nghi vấn, lực lượng CSGT phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh để đối chiếu, so sánh. Hiện nay, lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và truy bắt tội phạm. Tuy nhiên trong những trường hợp không đủ các trang thiết bị để ghi nhận hình ảnh, phương tiện để truy đuổi tội phạm thì có thể trưng dụng một số phương tiện trên đường. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trả lại cho chủ sở hữu. Trường hợp không may trong quá trình trưng dụng gây hỏng hóc, thì CSGT sẽ sửa chữa để bồi hoàn trả lại chủ phương tiện...