Công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết, 1 Pháp lệnh

14:44, 29/04/2016

Sáng 29/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội và 1 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là: Luật trẻ em; Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin; Luật dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật điều ước quốc tế; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; Pháp lệnh Quản lý Thị trường.

* Nhiều nội dung cởi mở, thông thoáng hơn với báo chí

 

Luật báo chí có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 gồm 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí năm 1989.

 

Luật kết cấu chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí; quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo phải tiết lộ người cung cấp thông tin chỉ khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin khi tên của họ được tiết lộ.

 

Về điều kiện cấp thẻ nhà báo, Luật quy định đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ (pháp luật báo chí hiện hành quy định là 3 năm).

 

* Thể chế hóa việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

 

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, Luật trẻ em gồm 7 chương, 106 điều. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc quy định cụ thể hơn. Kế thừa Luật năm 2004, các bổn phận của trẻ em được quy định cụ thể trong Luật, phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Trẻ em có bổn phận đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em.

 

Để giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em khả thi và có hiệu quả, Luật quy định rõ nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

 

* Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

 

Với 5 chương, 37 điều, Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Cụ thể hóa quy định tại Điều 25 của Hiến pháp năm 2013, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật. Đối với trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.

 

Luật quy định công dân được tiếp cận bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận, Luật quy định về thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện…

 

* Giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với các loại thuốc có chất lượng

 

Luật dược năm 2016 có 14 chương, 116 điều (bổ sung 4 chương). Luật quy định ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; vắc xin sinh phẩm dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý hiếm, đặc hữu.

 

Luật quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời, Luật phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc. Cơ chế quản lý giá thuốc rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn độc quyền sáng chế, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

 

* Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn, thách thức.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

 

Luật bổ sung quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Luật bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

 

Đối với dự án đầu tư, Luật bổ sung quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để khuyến khích chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng trong nước.

 

Luật bổ sung quy định miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống để cải cách thủ tục hành chính. Luật sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại luật quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, giảm áp lực cho người nộp thuế.

 

* Tạo thuận lợi cho người nộp thuế

 

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi gồm 22 điều. Những nội dung sửa đổi cơ bản theo 4 nhóm vấn đề: Sửa đổi bổ sung để khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế; sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện luật thuế xuất nhập khẩu hiện hành; sửa đổi bổ sung để phù hợp với thông lệ quốc tế; sửa đổi bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

 

* Phục vụ đắc lực cho nhu cầu hội nhập quốc tế

 

Luật Điều ước quốc tế năm 2016 gồm 10 chương 84 điều. Luật đã làm rõ quy trình, thủ tục để thực hiện thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều ước quốc tế; cụ thể hóa khái niệm “Điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và “Điều ước quốc tế về tư cách thành viên của Việt Nam tại tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng”. Để phục vụ yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, Luật bổ sung chương về “Trình tự, thủ tục rút gọn”, áp dụng với việc ký kết, sửa đổi một số loại điều ước quốc tế theo mẫu hoặc có yêu cầu gấp về thời gian. Thủ tục rút gọn không áp dụng đối với các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội; những loại điều ước quốc tế quan trọng này phải thực hiện theo quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

 

* Tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đầu tư và du lịch của công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam

 

Trên cơ sở Tờ trình của Chủ tịch nước, Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp Thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

 

Theo quy định của phía Hoa Kỳ, công dân Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị… được phía Hoa Kỳ cấp thị thực thời hạn 1 năm cho phép nhập, xuất cảnh nhiều lần. Trên cơ sở đối đẳng có đi có lại, phía Hoa Kỳ đề nghị Chính phủ Việt Nam cấp thị thực với thời hạn tương tự cho công dân Hoa kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích ngắn hạn (Hiện ta đang cấp thị thực có thời hạn từ 3-6 tháng). Trước yêu cầu trên để bảo đảm lợi ích của công dân ta, Chính phủ đã đề xuất đàm phán với Hoa Kỳ Thỏa thuận về cấp thị thực dài hạn.

 

Theo đó, Hoa Kỳ tiếp tục cấp thị thực với thời hạn 1 năm cho công dân Việt Nam như trước đây và trên cơ sở có đi có lại, Việt Nam cũng tăng thời hạn cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ đối với một số mục đích nhập cảnh lên tới 1 năm với giá trị nhập cảnh nhiều lần. Việc tăng thời hạn thị thực cấp cho công dân Hoa Kỳ một năm cũng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ, trong đó không làm thay đổi quy trình cấp thị thực và thời hạn lưu trú của công dân Hoa Kỳ mỗi lần nhập cảnh Việt Nam vì các nội dung này vẫn được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của hai nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Thỏa thuận không có nội dung trái với Hiến pháp, phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Các nội dung quy định tại Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được áp dụng trực tiếp theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận. Công hàm Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi Bộ Ngoại giao hoàn tất các thủ tục về mặt đối ngoại với phía Hoa Kỳ.

 

* Công khai minh bạch hóa hoạt động của quản lý thị trường

 

Pháp lệnh quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua tại phiên họp thứ 46, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. Pháp lệnh gồm 8 chương, 46 điều.

 

Pháp lệnh đã quy định cụ thể về vị trí, chức năng, tổ chức của lực lượng quản lý thị trường. Việc luật hóa trình tự, thủ tục kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm công khai minh bạch hóa hoạt động của quản lý thị trường, đảm bảo tính rõ ràng minh bạch và tăng cường cải cách hành chính đối với quy trình kiểm tra của quản lý thị trường, bảo đảm nguyên tắc lực lượng quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Pháp lệnh còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước hoạt động kiểm tra không đúng quy định của pháp luật của lực lượng quản lý thị trường. Việc quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp, pháp luật; hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường cũng như ngăn chặn các vi phạm pháp luật khác trong quá trình kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên thị trường, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh./.