Hướng tới tính minh bạch, khả thi và dự báo cao nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đó là một trong những mục tiêu của Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Bộ luật Hình sự 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện, trong tổng số 426 điều có 72 điều mới được bổ sung, 362 điều được sửa đổi, 17 điều giữ nguyên và 7 điều bãi bỏ.
* Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại (tại các điều: Điều 2, 6, 8, 33, các điều từ Điều 74-89); đồng thời xác định cụ thể điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (Điều 75) và quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76). Việc bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường trong Bộ luật Hình sự 2015 dựa trên cơ sở đánh giá tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội; đánh giá những hạn chế của pháp luật hiện hành khi xử lý pháp nhân vi phạm và nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số quốc gia và xu thế chung của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân của các nước trên thế giới.
* Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm
Xuất phát từ thực tiễn lập pháp hình sự và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; quán triệt tinh thần Hiến pháp 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình. Cụ thể, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội, trong đó có 04 tội bỏ hoàn toàn gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399). 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phảm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Bộ luật bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 40, khoản 2, điểm c); mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm b, c khoản 3 Điều 40). Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (Điều 40 khoản 4 và Điều 63 khoản 6) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.
* Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm đối với người dưới 18 tuổi
Bộ luật đã bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải "bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên" (khoản 1 Điều 91). Quy định nguyên tắc: "Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa" (khoản 4 Điều 91), thay vì quy định như trước đây là phải đánh giá, cân nhắc việc áp dụng hình phạt trước nếu xét thấy không cần thiết thì mới áp dụng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa (khoản 4 Điều 69 Bộ luật Hình sự 1999).
Nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa tội phạm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật quy định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cụ thể: Xử lý trách nhiệm hình sự ngay đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong 7 tội phạm; quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội cụ thể.
Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã bổ sung 3 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ gồm: Khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95)./.