Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Kể từ thời điểm đó, Luật tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
* Bước đột phá trong quản lý nhà nước
Nhận xét về Luật Khí tượng thủy văn, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động khí tượng thủy văn. Do đó Luật Khí tượng thủy văn ra đời đã hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động khí tượng thủy văn trong tổng thể mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn. Các hoạt động khí tượng thủy văn mang tính chất phục vụ lợi ích chung, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia phải do cơ quan khí tượng thủy văn của Nhà nước chịu trách nhiệm. Luật khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Các sản phẩm của hoạt động khí tượng thủy văn được phân thành hai loại: Loại phục vụ công cộng, lợi ích quốc gia được cung cấp miễn phí, phổ biến rộng rãi; loại phục vụ chuyên dùng được coi như một loại hàng hóa và đối tượng sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí phù hợp. Hoạt động khí tượng thủy văn cung cấp thông tin “đầu vào” cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm cả thích ứng và giảm nhẹ, do vậy nhiệm vụ chủ yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành khí tượng thủy văn là giám sát biến đổi khí hậu.
Hoạt động khí tượng thủy văn theo truyền thống trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm nay sẽ cần có thêm những thành phần khác tham gia và xu hướng xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn trở thành xu thế tất yếu. Do đó rất cần có những cơ chế pháp lý quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn. Luật đã thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia… thông qua quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong hoạt động phòng, chống thiên tai.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu về thông tin khí tượng thủy văn ngày càng nhiều và đa dạng, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới, việc cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là cần thiết. Do hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, Luật đã quy định dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân là hoạt động có điều kiện và phải được cấp phép.
Việt Nam là thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có những cơ chế pháp lý tương xứng, vừa để phù hợp thông lệ quốc tế, vừa để bảo đảm quyền và lợi ích quốc gia. Hành lang pháp lý thể hiện dưới hình thức là một văn bản luật do Quốc hội ban hành là đặc biệt cần thiết, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
* Những điểm quan trọng của Luật
Phân tích về những điểm quan trọng của Luật Khí tượng thủy văn, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Luật Khí tượng thủy văn gồm 10 Chương, 57 Điều. Cụ thể: Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; Chương 3: Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Chương 4: Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; Chương 5: Giám sát biến đổi khí hậu; Chương 6: Hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; Chương 7: Tác động vào thời tiết; Chương 8: Hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn; Chương 9: Quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn; Chương 10: Điều khoản thi hành.
Luật Khí tượng thủy văn đã điều chỉnh toàn diện hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ý nghĩa điều chỉnh toàn diện hoạt động khí tượng thủy văn, có khá nhiều vấn đề mới từ trước đến nay chưa có đủ cơ sở pháp lý thì nay đã được quy định trong Luật, cụ thể như hoạt động tác động vào thời tiết, theo quy định của Luật, các tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức nước ngoài liên danh, liên kết với tổ chức trong nước nếu có đủ năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp thì được tiến hành các hoạt động tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là quy định hết sức mới mẻ của Luật trong điều kiện chúng ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm và thực tiễn khoa học về vấn đề này. Nhưng đứng trước các yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng gia tăng, trong tương lai sẽ có nhu cầu thực hiện các hoạt động tác động vào thời tiết nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, Luật Khí tượng thủy văn đã có các quy định mang tính chất định khung, hướng dẫn các hoạt động tác động vào thời tiết trên lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề giám sát biến đổi khí hậu, các quy định trong Luật nhằm đảm bảo khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành khí tượng thủy văn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong Luật Khí tượng thủy văn, bên cạnh các quy định có tính chất khuyến khích, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động khí tượng thủy văn, còn có quy định mang tính chất bắt buộc đối với các công trình khi xây dựng, khai thác, chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn, có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng, thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia. Quy định này nhằm đảm bảo, nâng cao trách nhiệm của các chủ công trình đối với cộng đồng, mặt khác nhằm khai thác, sử dụng tối đa các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng, góp phần phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội. Các quy định tách bạch và khẳng định rõ hoạt động phục vụ và dịch vụ khí tượng thủy văn. Mục tiêu quan trọng nhất của tất cả cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia và WMO là phục vụ khí tượng thủy văn.
Phù hợp với xu thế nêu trên và đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, Luật đã dành hẳn 1 Chương quy định về hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn, trong đó phân biệt, khẳng định rõ Phục vụ khí tượng thủy văn là dịch vụ công, không vì mục đích lợi nhuận, còn Dịch vụ khí tượng thủy văn là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Cùng với đó là các quy định chi tiết về đối tượng được hoạt động phục vụ và cung cấp dịch vụ, cũng như quyền và nghĩa vụ cụ thể của các đối tượng này.
Bên cạnh đó, một số thay đổi quan trọng cho tương lai của ngành khí tượng thủy văn cũng đã được luật hóa thông qua các quy định rất cụ thể như nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước; các chính sách của nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo đảm các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của địa phương, cũng như việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
* Bảo đảm tính thống nhất của các mạng lưới
Theo ông Nguyễn Trần Linh, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: Luật đã quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm của các bộ, ngành, địa phương, hành lang kỹ thuật trạm và quy định về yêu cầu quan trắc phải tuân thủ tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn... tùy thuộc vào mục đích cụ thể, nội dung quan trắc của các loại trạm có thể khác nhau. Xuất phát từ tính chất trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin khí tượng thủy văn theo mục đích riêng của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, nên việc giao cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với các trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
Luật cũng đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng; quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Luật bổ sung quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi cố ý vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn; che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; quy định trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải xây dựng và thường xuyên cập nhật quy chuẩn kỹ thuật, quy trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cũng như phải thực hiện đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quy định cụ thể về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân; v ề hệ thống quốc gia dự báo, gồm các cơ quan sự nghiệp công lập về dự báo khí tượng thủy văn các cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, đồng thời quy định rõ nguyên tắc hoạt động của hệ thống này.
Ngoài ra, Luật đã có quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Đồng thời, Luật Phòng, chống thiên tai cũng đã có các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai nói chung, trong đó 17/19 loại là thiên tai khí tượng thủy văn. Để triển khai thi hành Luật Khí tượng thủy văn, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, gồm Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số Thông tư hướng dẫn các nội dung nêu trên và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016./.