Mối nguy từ những loại ma túy mới

10:51, 29/06/2016

Số người nghiện ma túy ở nước ta chưa có dấu hiệu giảm, trái lại, có xu hướng tăng. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, thâm nhập, "tấn công" vào giới trẻ, gây họa lâu dài. Cùng với đó, tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành và mỗi gia đình - tế bào của xã hội cần có những giải pháp giúp giới trẻ có kiến thức và kỹ năng phòng ngừa.

Có một thực tế là số người nghiện ma túy gia tăng và ngày càng “trẻ hóa”. Đi đôi với đó là sự phát triển của ma túy tổng hợp (MTTH), từng bước thay thế các loại ma túy tự nhiên. Qua một số vụ án gần đây, cơ quan chức năng đã cảnh báo về sự xuất hiện với tần suất ngày càng cao của các loại MTTH mới. Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, năm 2015, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 18.000 vụ liên quan đến ma túy, trong đó có hàng nghìn vụ liên quan đến tàng trữ, vận chuyển MTTH dạng đá, thu giữ hơn 630kg và gần 422.000 viên MTTH, gấp 3 lần số lượng thu giữ năm 2014. Chưa hết, sau cảnh báo về “khí cười”, “bánh lười”, cỏ Mỹ, gần đây công an (CA) phối hợp với lực lượng hải quan kiểm tra, phát hiện dấu hiệu thâm nhập của loại lá “Khat”, có chứa thành phần Cathinone và Cathine, dùng để điều chế MTTH mới có tên gọi là Flakka, đang rất “thịnh hành” ở nước ngoài. Điều đáng nói là Cathinone và Cathine chưa nằm trong danh mục các tiền chất ma túy theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong xem xét, xử lý hình sự.

 

Về diễn biến tội phạm ma túy, điều dễ nhận thấy là chúng ngày càng liều lĩnh, manh động, hoạt động có tổ chức và buôn bán số lượng lớn. Số vụ án được khám phá có lượng tang vật cỡ hàng trăm bánh hêrôin, hàng chục nghìn viên MTTH ngày càng nhiều. Song điều đáng chú ý hơn là thủ đoạn của tội phạm ma túy biến đổi không ngừng để đối phó với cơ quan chức năng. Một trong những thủ đoạn mới của tội phạm là mua chuộc, lôi kéo sinh viên, phụ nữ vận chuyển ma túy. Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy cho hay, đã bắt giữ hàng chục vụ án về ma túy có liên quan đến sinh viên, phụ nữ Việt Nam bị các đối tượng lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, khống chế vào việc vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

 

Một thủ đoạn mới nữa của tội phạm bán lẻ ma túy là sau khi bị lực lượng chức năng truy quét mạnh tại các địa bàn dân cư tập trung thì chúng dạt ra ngoại thành, nhất là khu vực giáp ranh để tổ chức hoạt động mua, bán ma túy. Điển hình, ngày 10-4 vừa qua, lực lượng của Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp cùng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CA T.P Hà Nội vừa phá chuyên án triệt xóa một tụ điểm bán lẻ chất ma túy dạng “boongke” phức tạp ở huyện Ứng Hòa. Tụ điểm do Dư Ngọc Vượng (SN 1965, trú tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cầm đầu, lợi dụng địa bàn giáp ranh để tổ chức mua bán ma túy nhiều năm cho các con nghiện ở huyện Ứng Hòa và địa bàn tỉnh Hà Nam…

 

Trong khi tác hại của ma túy nói chung, MTTH nói riêng vô cùng ghê gớm (gây ảo giác dẫn đến những hành vi phạm tội khác; tàn phá hệ thần kinh, dẫn đến tử vong), đáng tiếc là nhận thức của giới trẻ chưa đầy đủ, thậm chí không hiểu biết. Chưa kể, theo Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, thế giới chưa có phác đồ cai nghiện MTTH. Từ thực tế đó cho thấy, để ứng phó với những biến đổi của tội phạm, tệ nạn ma túy không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng. Trước tình trạng trẻ hóa người sử dụng ma túy thì trách nhiệm phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho giới trẻ thuộc về cả xã hội, mà trực tiếp là gia đình, nhà trường. Điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền phải chủ động, phủ khắp, nêu rõ tác hại, giúp giới trẻ có kiến thức và kỹ năng phòng tránh cho bản thân không mắc nghiện. Nếu không, mọi nỗ lực điều tra, khám phá tội phạm ma túy của cơ quan chức năng sẽ trở nên vô nghĩa khi số người nghiện không được kiềm chế.

 

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, hiện trên cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó người nghiện ma túy tổng hợp dạng đá chiếm hơn 40%, số người nghiện nằm trong độ tuổi 18-30 lên tới 72%. Một số địa phương có người nghiện ma túy dạng đá cao như Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh khoảng 60%, Lạng Sơn khoảng 50%...