Từ một vụ tranh chấp nghĩ về văn hóa ứng xử

08:37, 18/06/2016

Dư luận trong tỉnh gần đây khá lưu tâm đến vụ việc được cho là tranh chấp kinh tế giữa hai doanh nghiệp khai khoáng có tiếng của tỉnh. Vụ việc sẽ không có gì đáng nói nếu lãnh đạo của một trong hai doanh nghiệp này không có những hành vi ứng xử thiếu kiềm chế.

Sự việc xảy ra khi bảo vệ của Công ty TNHH Tiến Bộ Thái Nguyên ngăn chặn và tạm giữ 2 chiếc xe tải loại 8 tấn và 1 chiếc máy xúc cỡ lớn khi tài xế các phương tiện này ngang nhiên cho xe vào bãi tập kết quặng sắt của Công ty tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) xúc quặng mà không có giấy tờ hợp lệ. Sự việc cũng không có gì phức tạp nếu ngay sau đó cán bộ và nhân viên bảo vệ của Công ty không nhận được những cú điện thoại gọi tới chửi bới, đe dọa, đồng thời chiếc xe ô tô con của nhân viên bảo vệ bị đập phá. Đến khi Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện Đồng Hỷ nhận được các đơn tố cáo về những hành vi này thì dư luận mới vỡ lẽ, chính một lãnh đạo của Công ty TNHH Hải Thành (là thành viên góp vốn cùng với Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên để thành lập Công ty TNHH Tiến Bộ Thái Nguyên) đã yêu cầu nhân viên đưa phương tiện vào xúc quặng mà không có giấy tờ hợp lệ. Và thực tế thì chính vị lãnh đạo này cũng thừa nhận là đã gọi điện cho cán bộ và nhân viên Công ty TNHH Tiến Bộ Thái Nguyên sau khi đưa phương tiện vào chở quặng và bị giữ lại. Tuy nhiên, theo thông tin từ Công an huyện Đồng Hỷ, tại cơ quan điều tra, vị lãnh đạo này thừa nhận, vì tức quá nên gọi điện chửi bới chứ không đe dọa, và không đập phá xe như trong đơn tố cáo.

 

Phía lãnh đạo Công ty Hải Thành giải thích rằng, do nghi ngờ bạn chung vốn khai thác và xuất hàng không minh bạch nên đã cho phương tiện đến để ngăn chặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu pháp luật thì cụ thể sẽ có cơ quan điều tra làm rõ, nhưng việc tự ý đưa phương tiện vào lấy khoáng sản mà không đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết là hành vi trái pháp luật.

 

Trước sự việc này, dư luận cũng cho rằng, bất luận ai đúng ai sai sẽ có pháp luật giải quyết, nhưng việc ứng xử như vậy là không hợp tình, hợp lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, uy tín doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Nhiều người cho rằng, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện có sự thiếu minh bạch trong hợp tác, các bên hoàn toàn có thể ngồi lại làm rõ và thống nhất cách giải quyết. Nếu không được cần báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, tránh những xung đột không cần thiết. Thực tế thì đã có nhiều vụ việc tranh chấp trong hoạt động kinh tế diễn ra và bài học cho thấy, nếu mọi việc được giải quyết trên tinh thần tuân thủ luật pháp, có lý, có tình sẽ vừa giữ được hòa khí giữa các bên, ít thiệt hại về kinh tế lại vừa không để lại hậu quả xấu.

 

Dù sự việc trên hiện vẫn đang trong quá trình xem xét làm rõ, nhưng dư âm của nó đang lan nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Đây có lẽ là bài học chung cho các doanh nghiệp địa phương nhất là khi nền kinh tế ngày càng phát triển với tính chất cạnh trang ngày càng gay gắt hơn. Qua bài viết này, chúng tôi cũng muốn nói rằng, chúng ta đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nên việc ứng xử không chỉ cần có văn hóa mà còn phải dựa trên những chế định nghiêm ngặt của luật pháp.