Từ ngày 1/7: Sẽ xử lý hình sự pháp nhân thương mại phạm tội

08:17, 28/06/2016

Từ ngày 1/7/2016, một trong những nội dung sửa đổi lớn của Bộ luật hình sự (sửa đổi) là bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua  không ít tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng nhưng chỉ có thể xử lý bằng các chế tài xử phạt khác, bởi pháp luật hình sự hiện chưa quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

 

Trong đó, có thể kể đến nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng như Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương... diễn ra khá phổ biến nhưng các vụ việc nêu trên hầu như không bị xử lý hình sự.

 

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tình trạng pháp nhân là các doanh nghiệp đã kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại…cũng xảy ra khá phổ biến, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế, tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng của các công ty, doanh nghiệp đáng báo động…

 

Tuy nhiên, do chưa thiết lập chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, các hành vi vi phạm pháp luật của các  pháp nhân trên mới chỉ dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền nên các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nhiều lần để duy trì hoạt động.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trên cơ sở đánh giá tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra trong thời gian vừa qua, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội; Hạn chế của pháp luật hiện hành khi xử lý pháp nhân, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số quốc gia, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung một chương riêng (XI) quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76).

 

Trong đó, Bộ luật quy định cụ thể điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (Điều 75): Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;  Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;  Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 27 của Bộ luật này.  Đồng thời, quy định rõ việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

 

Đánh giá về quy định mới tại Bộ luật hình sự 2015,  Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn trong luật hình sự Việt Nam nhằm phòng ngừa có hiệu quả vi phạm pháp luật nghiêm trọng ngày càng phổ biến của pháp nhân; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong xử lý pháp nhân khi có vi phạm pháp luật xảy ra, đồng thời, tránh việc bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, tăng cường bảo vệ quyền lợi của người dân khi thực hiện khiếu nại, khởi kiện; tạo cơ sở pháp lý để xử lý những pháp nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật của Nhà nước, xem thường tính mạng, sức khỏe của người dân, phá vỡ trật tự quản lý của nền kinh tế đất nước…

 

Theo Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi vi phạm về môi trường bởi thực tế hiện nay việc xử lý hành chính hay dân sự với các hành vi vi phạm về môi trường không có tác dụng mạnh, hệ quả là dân xử bằng luật “rừng”.

 

Thực tế cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân vi phạm tỏ ra bất cập, không hiệu quả, gây khó khăn cho người dân - đối tượng bị thiệt hại, chính vì họ không thể thực hiện được nghĩa vụ tự chứng minh những thiệt hại đã gây ra cho mình trong thủ tục đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.

 

Điều 76 Bộ luật hình sự 2015:  Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

 

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:

1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);

2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).