Cẩn trọng với tiền giả

14:56, 20/08/2016

Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng trở nên tinh vi. Chính vì thế, nếu người tiêu dùng không nắm được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm về tiền giả. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, mặc dù số tiền giả được phát hiện trong những năm qua không nhiều nhưng 7 tháng năm 2016 lại có dấu hiệu gia tăng…

Theo quy định, bất cứ ai phát hiện thấy người khác có từ 3 tờ tiền giả trở nên cũng phải báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để điều tra làm rõ. Sự nâng cao cảnh giác cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn đối với các đối tượng tiêu thụ tiền giả là rất cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NHNN mong muốn và khuyến nghị người sử dụng tiền nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật (được niêm yết tại UBND các xã, phường); kiểm tra kỹ các đặc điểm bảo an khi giao dịch; chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam. Để tìm hiểu thêm thông tin, các tổ chức, cá nhân có thể truy cập tại website: http://www.sbv.gov.vn.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho rằng tiền giả là một vấn nạn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Ở Việt Nam, vấn nạn này đã được nhắc tới từ lâu. Với sự vào cuộc ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan chức năng đã khiến các đối tượng phải thường xuyên thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động. Trên địa bàn tỉnh, tình trạng tiền giả được lưu thông không phổ biến nhưng vẫn diễn ra rải rác. Sự việc được phát hiện khi người dân mang tiền đến giao dịch tại ngân hàng. Và theo quy định, những tờ tiền giả khi ngân hàng phát hiện sẽ tịch thu để xử lý theo quy định.

 

Theo thống kê của NHNN tỉnh, năm 2013, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát hiện được 717 tờ tiền giả, có giá trị thành tiền là hơn 115 triệu đồng; năm 2014 phát hiện 602 tờ, thành tiền trên 144 triệu đồng; năm 2015 phát hiện 641 tờ, thành tiền gần 109 triệu đồng. Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2016, đã phát hiện 775 tờ, thành tiền 147,5 triệu đồng. Tiền được làm giả ở tất cả các mệnh giá từ 10, 20, 50, 100, 200 đến 500 nghìn đồng, song nhiều nhất vẫn là loại mệnh giá 200 nghìn đồng. Tại sao lại như vậy?

 

Theo một số cán bộ ngành Ngân hàng: Trước hết, xét về giá trị, loại mệnh giá này không thấp cũng không quá cao. Vì thế việc đề phòng, cảnh giác của người dân đối với loại tiền này thường không quá lớn. Hơn nữa, với “thị trường” tiêu thụ tiền giả được cho là lý tưởng là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thì việc tiêu tiền 200 nghìn đồng là khá dễ dàng bởi người bán có thể có đủ ngay số tiền cần thiết để trả lại; còn nếu là 500 nghìn đồng thì ngoài việc bị đề cao cảnh giác hơn thì để có đủ tiền lẻ trả lại sẽ khó khăn hơn.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đối tượng buôn bán, tiêu thụ tiền giả thường sử dụng các thủ đoạn như: dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật. Chúng thường nhằm đến những người buôn bán nhỏ, người già, sống ở vùng nông thôn, miền núi, nơi người dân ít có thông tin về tiền giả. Đặc biệt, chúng thường để lẫn tiền giả với tiền thật để người nhận tiền không chú ý. Ngoài ra, chúng cũng lợi dụng lúc người bán hàng bận rộn hoặc chủ động có các hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng có giá trị ngang bằng tiền giả. Thủ đoạn này chúng có thể áp dụng ngay ở cả thành thị, nơi đông người. Trong trường hợp nếu bị phát hiện thì giả như mình cũng là nạn nhân rồi tìm cách tẩu thoát.

 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Thái Nguyên phát hiện trong số tiền mang gửi của một khách hàng là doanh nghiệp có tới 45 tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng là giả. Theo phản ánh của khách hàng, thì số tiền này họ nhận từ một đối tác ở bên Lào. Qua xác minh của Cơ quan Công an, vị khách hàng này cũng chỉ là nạn nhân. Bởi trên thực tế, một điều dễ hiểu là chẳng có ai dại gì mang tiền giả đến giao dịch tại ngân hàng, bởi chắc chắn sẽ bị ngân hàng phát hiện và tịch thu (tất cả các máy đếm tiền đều có chức năng báo tiền giả).

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồi tháng 5 vừa qua, một số đối tượng người huyện Phú Bình đã bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt khi đang tiêu thụ tiền giả. Sau khi các đối tượng này bị bắt, theo lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, số tiền giả mà các ngân hàng nhận được có phần giảm hơn. Một số địa phương 6 tháng đầu năm phát hiện qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT có nhiều tiền giả là: Phổ Yên (97 tờ), Võ Nhai (76 tờ), Định Hóa (55 tờ)... Tổng của cả Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn là 360 tờ (tương ứng 74,4 triệu đồng). Các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, khi thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ, mọi người nên từ chối nhận hoặc có thể đến bất cứ ngân hàng nào gần nhất để nhờ xác minh, tránh những thiệt hại không đáng có cho bản thân.