Những năm gần đây, tình hình tội phạm diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng. Trong khi đó, công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Khoảng 2 năm trở lại đây, công tác này của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.
Chuyển biến đó bắt đầu từ khi thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 11-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, đầu mối của Tỉnh ủy trong thực hiện Chỉ thị 43, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã xây dựng cơ chế thực hiện giữa các ngành liên quan. Đến cuối tháng 9-2014, Quy chế phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa VKSND, cơ quan điều tra, thanh tra, chi cục kiểm lâm, cục thuế, chi cục quản lý thị trường tỉnh đã được ký kết. Theo đó, các cơ quan ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình còn phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với cơ quan điều tra, VKSND và được thực hiện ngay từ khi phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mà không được từ chối. Trong quá trình thực hiện, VKSND các cấp cùng với cơ quan điều tra trao đổi, giải quyết những vướng mắc, phúc đáp kịp thời các quan điểm trao đổi mà cơ quan điều tra đưa ra. Đối với những tố giác, tin báo phức tạp, chưa thống nhất được quan điểm, hai bên tổ chức họp để thống nhất cách xử lý.
Riêng đối với ngành Kiểm sát tỉnh, ngay sau khi nhận được Chỉ thị số43, VKSND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo đến từng đơn vị và cán bộ trực thuộc. Hằng tháng, VKSND cấp huyện báo cáo kết quả thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo ở địa phương lên VKSND tỉnh để tổng hợp, quản lý, xây dựng báo cáo chung toàn ngành (để báo cáo Tỉnh ủy) và coi đây là một chỉ tiêu thi đua của năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của VKSND các cấp được thực hiện nghiêm túc bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, VKSND tỉnh duy trì kiểm tra tại các VKSND cấp huyện, thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất, nhất là đối với những đơn vị có nhiều vụ việc phức tạp hoặc tỷ lệ giải quyết tin còn thấp. VKSND các cấp tăng cường kiểm sát theo vụ việc và kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan điều tra, công an cấp xã đảm bảo kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót để kiến nghị khắc phục.
Nếu như trước đây, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng năm chỉ đạt từ 80 đến 85%, thậm chí tin báo kéo dài nhiều năm mà không giải quyết xong thì từ khi thực hiện theo Chỉ thị 43, tỷ lệ này được nâng lên. Cụ thể, từ tháng 7-2014 đến hết tháng 10-2015, toàn tỉnh tiếp nhận 2.389 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Kết quả đã giải quyết 2.240 tin, đạt tỷ lệ gần 94%. Còn từ tháng 11-2015 đến hết tháng 5-2016, toàn tỉnh tiếp nhận 1.243 tin, đã giải quyết 1.110 tin. Những vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm giảm đáng kể, nhất là vi phạm trong thụ lý và chấp hành thời hạn giải quyết.
T.P Thái Nguyên là địa phương có tình hình an ninh trật tự phức tạp nên số lượng tin báo tố giác tội phạm luôn ở mức cao. Tính từ tháng 10-2014 đến hết tháng 5-2016, VKSND thành phố đã tiếp nhận, kiểm sát 1.089 tin. Cơ quan điều tra sau khi tiến hành xác minh, phân công điều tra viên giải quyết đồng thời chuyển sang VKSND cùng cấp để kịp thời phối hợp. VKSND ngay sau khi phát hiện, tiếp nhận tin báo cũng chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Nhờ vậy, các đơn vị đã phối hợp, giải quyết được 1.043/1.089 tin (đạt 96%, trong đó khởi tố 746 tin).
Còn tại huyện Phú Lương, sự phối hợp này cũng đang được triển khai khá hiệu quả. Đồng chí Dương Văn Duy, Viện trưởng VKS huyện Phú Lương cho biết: VKSND huyện cùng các ngành đã xây dựng, ký kết quy chế phối hợp về công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn. VKSND huyện đã phân công 1 kiểm sát viên trực tiếp chịu trách nhiệm vào sổ việc tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Lãnh đạo đơn vị còn phân công các kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết đối với từng tin báo tội phạm, không để lọt tin báo hoặc quá thời hạn giải quyết. Kết quả, từ tháng 10-2014 đến hết tháng 5-2016, địa phương đã giải quyết 277/297 tin (đạt 93,3%), còn lại đang được xử lý, không có tin nào bị quá hạn.
Thực tế cho thấy, từ khi có quy chế phối hợp, nhiều vụ án kinh tế, lừa đảo, tham nhũng… đã được các cơ quan liên quan phối hợp cùng giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của VKSND tỉnh, vẫn còn hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện. Có đơn vị chưa thực hiện tốt việc phân loại tố giác, tin báo tội phạm nên việc vào sổ theo dõi chưa chính xác. Một số công an cấp xã chưa báo cáo kịp thời tin báo, tố giác lên cấp có thẩm quyền, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc chấp hành đúng thời hạn các biện pháp tố tụng khi xác minh, giải quyết dẫn tới có tin báo bị quá hạn mà chưa đủ căn cứ xử lý.
Để từng bước khắc phục vấn đề này, theo đồng chí Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Mọi người cần tích cực tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, công an cấp xã cần xây dựng củng cố lực lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan liên ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện quy chế phối hợp, nhất là trong thời gian tới một số bộ luật mới được sửa đổi bổ sung chính thức có hiệu lực thi hành.
Về vấn đề này, đồng chí Lý Văn Huấn thông tin: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua 16 bộ luật, trong đó có Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, một số điểm trong quy chế phối hợp liên ngành không còn phù hợp. Do đó, lãnh đạo VKSND đang chỉ đạo phòng nghiệp vụ phối hợp với các ngành sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp cũng như tham mưu cho Tỉnh ủy chỉnh sửa một số nội dung của Chỉ thị số 43 để phù hợp với bộ luật. Từ đây, các cơ quan sẽ có được sự chủ động, sẵn sàng triển khai thực hiện ngay khi nó có hiệu lực thi hành.