Hơn 5 năm nay, các hộ dân ở khu tái định cư xóm Tân Tiến, xã Tân Quang (T.P Sông Công) phải ngửi mùi hôi, khét bốc lên từ cơ sở tái chế nhựa Vĩnh Phượng. Năm 2015, người dân đã gửi đơn phản ánh lên UBND xã, Phòng Tài Nguyên và Môi trường Thành phố, cũng như kiến nghị giải quyết vấn đề này tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngày 13-9, chúng tôi có mặt tại cơ sở tái chế nhựa Vĩnh Phượng, do bà Trương Thị Phượng làm chủ, nằm giữa khu tái định cư Tân Tiến. Cơ sở đi vào hoạt động từ năm 2005, sản xuất hạt nhựa tái chế, nhựa tái chế cô đặc với công suất 10 tấn/tháng. Đến cổng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi bốc lên từ những “núi chất thải” đổ tràn từ ngoài vào trong nơi sản xuất. Càng đi sâu vào khu giặt bao bì và nấu nhựa, mùi khét, hắc càng nồng nặc hơn.
Chị Dương Thị Yến, nhà ngay sát cơ sở Vĩnh Phượng bức xúc: Cơ sở này mấy năm gần đây mở rộng sản xuất nên làm cả ngày lẫn đêm. Những khi công nhân nấu nhựa, mùi khét bốc lên rất ghê. Nhà tôi có con nhỏ nên để đảm bảo an toàn cho bé, vợ chồng tôi phải nhét xốp bịt hết ô thoáng, hạn chế bế cháu ra ngoài.
Bà Ngô Thị Dung, Trưởng xóm Tân Tiến cho biết: Năm 2015, sau khi nhận được đơn của nhiều hộ dân trong khu tái định cư, xóm đã họp trưởng các ngành đoàn thể, có mời đại diện chủ cơ sở Vĩnh Phượng đến. Họ cũng thừa nhận việc sản xuất của mình gây ô nhiễm và xin thời gian để cải tiến các trang thiết bị. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở tái chế nhựa chưa hoàn toàn được khắc phục.
Sau khi nhận được kiến nghị của nhân dân, cán bộ chuyên môn của phòng Tài Nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra, nhắc nhở đơn vị khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở Vĩnh Phượng cũng đã bị Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng vào tháng 5-2016 vừa qua. Gần đây nhất, trong buổi kiểm tra vào ngày 9-8; 27-8 và 16-9, Phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Sông Công kết luận: Hệ thống thu gom, xử lý nước của cơ sở Vĩnh Phượng chưa đảm bảo dẫn tới khi mưa, nước trong ao chứa cuốn theo nguyên liệu, rác tràn ra ruộng xung quanh. Đồng thời, khí thải từ máy đùn nhựa tạo sản phẩm chưa được xử lý triệt để nên đã xả ra mùi khét gây ô nhiễm môi trường. Đoàn đã yêu cầu đơn vị tạm dừng hoạt động, khi nào sửa chữa xong mới tiếp tục sản xuất. Thế nhưng từ đó đến nay, dù cơ sở chưa khắc phục nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Bà Trương Thị Phượng, chủ cơ sở tái chế nhựa Vĩnh Phượng lý giải: Từ cuối năm 2015 trở lại đây, chúng tôi đã xả nước thải ra ao của gia đình, xây xung quanh không để tràn ra ruộng của người dân. Cơ sở cũng đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy khử hơi, ống khử mùi, đổ bê tông sân bãi... Hiện tại, chúng tôi đã khắc phục được 90% tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế mức thấp nhất mùi khét khi chế biến. Vì vậy xin Thành phố cho cơ sở thêm 2 tháng để hoàn thành xử lý 10% còn lại.
Việc cơ sở tái chế nhựa Vĩnh Phượng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư đã rõ ràng, tồn tại lâu mà chưa được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết triệt để, gây nên bức xúc trong nhân dân. Ông Dương Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Quang giải thích: Khi nhân dân ở khu dân cư Tân Tiến ý kiến qua đơn tập thể và nhiều buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố và Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố chỉ đạo kiểm tra. Quan điểm của xã cũng không khuyến khích các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa hoạt động giữa khu dân cư. Mong rằng sự việc được giải quyết sớm, triệt để, tránh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Theo thông tin mới nhất từ Phòng Tài Nguyên và Môi trường T.P Sông Công, hiện Phòng đang hoàn thiện các văn bản, thủ tục tham mưu cho UBND T.P Sông Công ra quyết định xử phạt hành chính hành vi gây ô nhiễm môi trường của cơ sở tái chế nhựa Vĩnh Phượng. Nếu đơn vị không có biện pháp khắc phục, Thành phố sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử lý theo các hình thức như sau: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư; cấm hoạt động (Luật Bảo vệ môi trường năm 2005). |