Khó xây nhà trên đất đã mua

17:16, 21/09/2016

Bỏ ra nhiều tỷ đồng mua đất của dự án để làm nhà nhưng, khi tiến hành thi công xây dựng công trình thì chủ đất gặp phải sự phản đối của người dân đang sinh sống tại khu dân cư và chính quyền địa phương. Sự việc đã và đang diễn ra tại phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên).

Sau nhiều lần chuyển tiền cho nhà đầu tư, gia đình anh Nguyễn Đình Đại, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đã được sở hữu 180m2 đất trong Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp tại phường Gia Sàng (ngã ba Bắc Nam), do Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) làm chủ đầu tư. Đầu năm 2016, anh Đại thuê người đến xây dựng công trình trên đất đã mua. Nhưng, từ khi khởi công, gia đình anh luôn bị bà con ở tổ dân phố 22 (sát với dự án, cách nhau 1 bức tường rào và đường bê tông) ra ngăn cản, yêu cầu anh phải ngừng thi công do công trình xây dựng trên mương thoát nước của khu dân cư. Gia đình anh Đại lại cho rằng, mình đã mất tiền mua đất thì có quyền làm nhà trên đó. Sự bất đồng này khiến hai bên trở nên căng thẳng, phải mời Công an phường Gia Sàng đến để giải quyết. Cán bộ UBND phường Gia Sàng đã 2 lần đến lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công vì lý do công trình xây dựng trên mương thoát nước của khu dân cư. Trước đó, 1 hộ khác đến làm nhà tại dự án này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

 

Theo quan sát của chúng tôi và thông tin từ người dân tổ 22, dọc phần đất (phía sau) mà Công ty Apec chia lô bán cho người dân giáp với đường bê tông dân sinh tổ 22. Sát đường là bức tường rào, ngăn dự án với khu dân cư. Tại đây có hệ thống mương thoát nước thải nằm phía dưới tường rào (chủ yếu là ở phía dự án APEC). Đây là lối thoát nước duy nhất của cả khu dân cư ra hệ thống thoát nước chung thành phố. Ông Lê Quang Dìu, một trong những hộ sống lâu năm ở tổ 22 cho biết: Mương thoát nước đã có từ rất lâu. Sau này, nhiều đoạn đã được xây bê tông có nắp đậy. Trước đây, khu dự án là đất nông nghiệp, ao cá của Công ty Bảo vệ thực vật và Giống cây trồng Thái Nguyên. Khi có dự án, chủ đầu tư đã cho san đất lấp lên nhưng cống thoát nước vẫn tồn tại. Nay các hộ mua đất của dự án đến xây dựng, mương nước bị chặn, tất yếu sẽ dẫn đến ngập úng.

 

Bà Trần Thị Mạo, Bí thư Chi bộ tổ 22 xác nhận: Phản ánh của bà con là đúng. Khi thấy người dân trong tổ và hộ đến xây nhà tranh cãi với nhau, đại diện tổ dân phố cũng đề nghị bên thi công nên tạm dừng hoặc xây lùi vào phía trong, không nên ảnh hưởng đến mương thoát nước, chờ cơ quan chức năng vào cuộc xác định rõ, tránh lãng phí sau này.

 

Trên bản đồ địa chính phường Gia Sàng và ngay trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh phê duyệt trước và sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp tại phường Gia Sàng cũng thể hiện sự tồn tại của mương thoát nước này. Theo cán bộ địa chính phường, đất của dự án chỉ được tính đến sát bờ mương chứ không phải đến sát bờ tường.

 

Bà Phạm Hoàng Ngân, Chủ tịch UBND phường Gia Sàng cho biết: Qua thực tế cũng như các hồ sơ tài liệu cho thấy Công ty APEC đã không tuân thủ quy hoạch được phê duyệt mà lấn sang phần đất công (cụ thể là mương thoát nước) để tính vào diện tích đất của dự án và bán cho khách hàng. Trước phản ánh của người dân tổ 22, phường đã cử cán bộ chuyên môn, phối hợp với tổ dân phố, Công ty APEC kiểm tra thực địa, yêu cầu Công ty khắc phục, trả lại mương thoát nước cho khu dân cư nhưng Công ty không phối hợp. Gần đây, UBND phường đã mời Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Quản lý đô thị Thành phố, đại diện Công ty APEC, tổ dân phố 22 họp, phối hợp giải quyết và yêu cầu Công ty dừng ngay việc xây dựng công trình liên quan đến mương thoát nước nhưng phía Công ty không quan tâm. UBND thành phố Thái Nguyên, phường Gia Sàng cũng đã có công văn đề nghị Công ty thực hiện thi công dự án đúng theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty vẫn không chấp hành.

 

Về phía gia đình anh Nguyễn Đình Đại khẳng định được Công ty APEC giao đất đến sát tường rào, và thực tế gia đình cũng phải thanh toán (qua hợp đồng góp vốn) từng m2 đất với giá trên 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ngày cắm và bàn giao mốc giới chỉ có người của Công ty chứ không có đại diện các cơ quan chức năng liên quan. Trong quá trình thi công, Công ty vẫn khẳng định đất gia đình mua đến đâu thì được xây dựng đến đó.

 

Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty tại Thái Nguyên nhưng đều không được đáp ứng.

 

Thực tế cho thấy, phần tranh chấp giữa người dân tổ 22 với Công ty APEC không chỉ liên quan đến 2 hộ đã và đang làm nhà mà có chiều dài trên 100m (theo đường và tường rào). Do vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân đã mua đất của dự án. Liệu có chuyện nhà đầu tư APEC đã lấy “đất công” (phần chiếm dụng trên mương thoát nước) gộp vào đất của dự án và bán cho khách hàng? Hay dự án đã làm đúng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt? Người dân ở tổ 22, người mua đất của dự án và UBND phường Gia Sàng rất mong cơ quan chức năng xác minh làm rõ.