Phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như thế nào cho phù hợp?

08:45, 28/09/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 27/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS ) 2015, trong đó nhiều ý kiến đề nghị tập trung làm rõ cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại cho phù hợp…

Băn khoăn cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS năm 2015 liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng thực tế. Bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, đồng phạm, phạm tội có tổ chức, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), tái phạm, tái phạm nguy hiểm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bổ sung vào Điều 85 của BLHS năm 2015 nội dung quy định về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, trong đó có hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.; bổ sung quy định về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực…

 

Dự thảo Luật  phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện dựa trên viện dẫn cách phân loại tội phạm đối với cá nhân (khoản 2 Điều 9).

 

Đồng tình với việc phân loại tội phạm pháp nhân thương mại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng nếu phân loại theo cách này sẽ rất thuận tiện, chỉ cần dẫn chiếu sang các khoản cụ thể áp dụng đối với cá nhân trong điều luật đó và quy định hình phạt.

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Nguyễn Văn Chiến, thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng  việc phân loại vẫn còn những bất cập, chưa đầy đủ  và khó áp dụng trong thực tế  vì hình phạt đối với pháp nhân thương mại không có hình phạt tù.

 

Cũng theo ông Chiến, nếu nước ngoài không gọi là pháp nhân thương mại nhưng họ vi phạm và cần thiết xử lý về mặt hình sự mà chúng ta lại quy định trong Bộ luật hình sự chỉ xử lý pháp nhân thương mại thì sẽ không xử lý được  pháp nhân nước ngoài đang hoạt động  tại Việt Nam và có vi phạm.

 

“Quan điểm của tôi là không quy định cụ thể là pháp nhân thương mại mà nên loại trừ những pháp nhân không  xử lý”, ông Chiến nói.

 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa , Ủy viên Ủy ban Tư pháp đề nghị cần học tập kinh nghiệm quốc tế trong xử lý pháp nhân thương mại phạm tội,  đồng thời phải xây dựng trên quan điểm “tạo điều kiện khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn chân chính,  nhưng phải xử lý nghiêm đối với pháp nhân phạm tội”.

 

Nhấn mạnh đây là Bộ luật lớn, rất quan trọng, là công cụ hữu hiệu sắc bén của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tội phạm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu  đề nghị cần rà soát kỹ sai sót về mặt kỹ thuật dẫn đến các  điều luật không thống nhất trong Bộ luật.

 

Hình phạt đối với tội gây ô nhiễm môi trường còn mang tính “gãi ghẻ”

 

Điều 235 BLHS 2015 quy định “tội gây ô nhiễm môi trường” với các mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường đối với chất thải rắn, nước thải, chất phóng xạ, bụi, khí thải… làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trong quá trình soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có nhiều quan điểm cho rằng cần giảm định lượng tối thiểu đối với các hành vi xả thải, chôn lấp, đổ thải ra môi trường nhằm bảo đảm xử lý trách nhiệm hình sự được trên thực tế.

 

“Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất xác đáng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra khá rộng rãi và đang rất phức tạp”, bà Hoa nói.

 

Dẫn quy định tại khoản 1 Điều 235 BLHS 2015 quy định các hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chỉ xử phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh hình phạt này chỉ mang tính “gãi ghẻ”. Trên cơ sở đó đề nghị, cần phải có những sửa đổi để xử lý nghiêm minh nếu không thì “không thể thở được, không thể sống được”.../.