Thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

09:49, 20/09/2016

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng gồm 9 Chương, 69 Điều, quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện thành lập trường đào tạo tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường đào tạo tôn giáo; hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo;…

 

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề lớn liên quan chủ yếu đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; về cơ sở đào tạo tôn giáo; các hành vi bị nghiêm cấm...

 

Liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đa số đại biểu cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.

 

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện nay các tổ chức tôn giáo đã thành lập hơn 50 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, nhiều tổ chức tôn giáo khác cũng đang xúc tiến việc thành lập các cơ sở này.

 

Với sự phát triển của các tổ chức tôn giáo cũng như các cơ sở đào tạo tôn giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (UBVHGDTNTN&NĐ) cho rằng, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần có những quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở đào tạo tôn giáo để tạo thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trong việc chuẩn bị hồ sơ thành lập, đồng thời thuận tiện trong việc thẩm định, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Theo Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, Ban soạn thảo cần phân tích, nghiên cứu thêm từ thực tế vấn đề về cơ sở đào tạo tôn giáo; phân tích quan hệ giữa các cơ sở đào tạo tôn giáo với các sơ sở đào tạo giáo dục quốc dân và phải làm rõ việc có coi các cơ sở đào tạo tôn giáo nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân hay không?

 

Về hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng hoạt động này nên khuyến khích, nhưng phải có quy định chặt chẽ; đối với những hoạt động nhân đạo, từ thiện với quy mô lớn của các tổ chức tôn giáo thì nhất thiết phải xin phép, đăng ký với chính quyền...

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề tài sản, tài chính của tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo; bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.../.