Sáng 14-11, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đến kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Công thương.
Theo thống kê, tổng số nhiệm vụ giao Bộ Công thương từ ngày 1-1 đến 5-11 là 486 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 286; số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn (gồm cả các nhiệm vụ đã và tiếp tục triển khai thực hiện nhưng không yêu cầu trả lời bằng văn bản) là 187; có 13 nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công thương làm rõ tám nhóm vấn đề lớn, nổi bật là: cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, rút kinh nghiệm việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thời gian; quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty, nhưng có nhiều đơn vị làm ăn, nhiều dự án thua lỗ, từ đó đặt ra vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát, quản lý vốn, chủ sở hữu, các thủ tục thẩm tra, thẩm định; việc phản ứng chính sách và xây dựng các thương hiệu, mở rộng thị trường bán lẻ trong nước; cổ phần hóa và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ; tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp; quản lý thị trường, giá cả, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý kinh doanh đa cấp; môi trường các dự án công nghiệp, vấn đề cấp phép xả thải; quản lý các hồ, đập thủy điện; xây dựng chiến lược phát triển năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu điện…
Tổ công tác cũng làm việc cụ thể về 13 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao mà Bộ Công thương chưa hoàn thành, nhất là làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời “chốt” lại thời gian yêu cầu Bộ Công thương phải hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể.