Chuyển hơn 200 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm sang Liên đoàn Lao động các địa phương để khởi kiện

07:57, 14/12/2016

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 12/2016.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/11/2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 75.358.567 người (đã bao gồm lực lượng vũ trang), đạt 100,6% kế hoạch giao.

 

Đáng chú ý, tính đến hết ngày 30/11/2016, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH các tỉnh, thành phố là 13.135 tỷ đồng.

 

 Phân tích về con số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,  ông Nguyễn Trí Đại cho biết, số nợ này chiếm 5,6% so với kế hoạch thu và đã giảm 0,2% so với tháng 10/2016. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 10.135 tỷ đồng (chiếm 77,16%), nợ bảo hiểm thất nghiệp là 572 tỷ đồng (chiếm 4,35%), nợ bảo hiểm y tế là 2.428 tỷ đồng (chiếm 18,49%). Ngân sách nhà nước địa phương nợ hơn 2.000 tỷ đồng tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ, số còn lại đều là nợ của các doanh nghiệp.

 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phấn đấu giảm số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2016 của khối doanh nghiệp, để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ năm 2016 xuống còn 2,9%. Bên cạnh việc cử cán bộ đi đôn đốc thu tại các đơn vị, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã phối hợp với các cơ quan quản lý, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên kéo dài từ 3 tháng trở lên, cương quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

 

Bảo hiểm xã hội chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên, phấn đấu đến hết năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 3 tháng.

 

Theo báo cáo nhanh, đến hết ngày 30/11, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã tiến hành trên 200 cuộc thanh tra chuyên ngành. Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã công bố danh tính các đơn vị nợ đọng để thanh tra chuyên ngành.

 

Với những doanh nghiệp cố tình trây ỳ, chậm nộp, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn tất thủ tục hồ sơ khởi kiện, gửi danh sách cho Liên đoàn Lao động các địa phương khởi kiện ra tòa theo quy định. Đến hết tháng 11/2016, cơ quan này đã chuyển hơn 200 hồ sơ sang cho Liên đoàn Lao động các địa phương để tiến hành khởi kiện.

 

Theo ông Nguyễn Trí Đại, hiện có trên 1.000 doanh nghiệp phá sản. Đối với những doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện chốt sổ cho người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đóng cho người lao động. Còn thời gian từ lúc doanh nghiệp nợ đến thời điểm phá sản, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin ý kiến Chính phủ để ban hành Nghị định xử lý nợ bảo hiểm xã hội. Khi có Nghị định sẽ giải quyết quyền lợi cho người lao động trong thời gian các doanh nghiệp phá sản.

 

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tùy theo tình hình thực tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có các giải pháp thu nợ phù hợp, từ đôn đốc đến kiểm tra và cưỡng chế. Hai biện pháp cưỡng chế được áp dụng là thanh tra chuyên ngành và khởi kiện. Cơ quan này sẽ chủ động phân loại những hồ sơ cần khởi kiện và cần thanh tra./.