Đẩy mạnh công khai hóa thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký

08:22, 15/02/2017

Thực tế hiện nay cho thấy, việc thực hiện quy định trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm còn chưa được đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch…

Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm, hiện nay, công tác đăng ký hiện hành đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý tương đối toàn diện, đầy đủ trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản.

 

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm, quy định về các trường hợp từ chối đăng ký của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chưa thật sự đầy đủ. Trong khi đó, một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Đất đai.

 

Trên thực tế, việc thực hiện quy định trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm còn chưa được đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, mặt khác, vẫn chưa có cơ chế để bảo đảm việc thực thi quy định này trong thực tiễn.

 

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm trong bối cảnh hiện tại là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, qua đó tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm, qua đó, thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm của nền kinh tế.

 

Cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người yêu cầu đăng ký

 

Theo đó, Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm bổ sung nội dung về trình tự, thủ tục trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

 

Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về thời điểm đăng ký cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: Trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, đăng ký thế chấp tàu biển thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

 

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về đăng ký trực tuyến, quy định liên thông một số thủ tục trong quy trình đăng ký nhằm cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người yêu cầu đăng ký. Theo đó, dự kiến quy định thủ tục liên thông trong đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất với thủ tục đăng ký biến động đất đai, chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định khi thực hiện giao dịch phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sẽ đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp với thủ tục ghi nhận sở hữu đối với tài sản trên Giấy chứng nhận. Về thủ tục đăng ký thay đổi với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, dự kiến liên thông thủ tục đăng ký thay đổi với thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận…

 

Cụ thể, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định rõ cơ chế bảo đảm cho quyền yêu cầu đăng ký trực tuyến của công dân và doanh nghiệp được thực hiện trên thực tế.

 

Theo Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc: Quy định này nhằm tránh trường hợp sử dụng tài khoản đăng ký hoặc xóa đăng ký của cá nhân, tổ chức khác, gây mất an toàn trong Hệ thống đăng ký trực tuyến và ảnh hưởng đến tính chính xác khi cung cấp thông tin, bên cạnh đó cũng nhằm quản lý số lượt truy cập, đăng nhập cũng như quản lý về phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đạt hiệu quả tối đa.

 

Cần có quy định “mở” đối với loại tài sản hiện chưa có đăng ký bảo đảm

 

Về cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm, dự thảo Nghị định dự kiến quy định cung cấp thông tin theo hai trường hợp: (1) trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu; (2) trường hợp chủ động cung cấp thông tin.

 

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện hành mới chỉ quy định về cung cấp thông tin trên cơ sở tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc cung cấp thông tin đối với các giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả do thông tin được cung cấp không đầy đủ, chậm cung cấp thông tin hoặc có những cơ quan từ chối cung cấp thông tin. Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đẩy mạnh công khai hóa thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký qua đó giúp người dân có thông tin để xem xét, quyết định thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm, với vai trò là văn bản điều chỉnh thống nhất về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan đăng ký trong việc chủ động cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm đối với các loại tài sản đặc thù, thường phát sinh tranh chấp như: thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

 

Tại cuộc họp báo cáo nội dung Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, trước thực trạng hiện nay là người dân đi mua nhà, đất mà không biết được nhà, đất mình định mua có hợp pháp không, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh việc xây dựng Dự thảo Nghị định là rất cần thiết. “Việc quy định công khai thông tin về biện pháp bảo đảm nhằm giúp cho người dân, doanh nghiệp có được thông tin kịp thời về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm”, Thứ trưởng nói.

 

Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng kiến nghị, cần mạnh dạn đổi mới về phương thức nộp hồ sơ, nghiên cứu xem xét đơn giản các phương thức, chẳng hạn như nộp hồ sơ qua fax, qua email thì quy định luôn chỉ còn phương thức nộp trực tuyến…

 

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải bám sát, hiểu đúng tinh thần quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 sao cho “không được từ chối đăng ký những gì mà đương sự muốn làm”. Đồng thời phải nghiên cứu giảm bớt thủ tục, giấy tờ trong đăng ký. Mặt khác, cần  có quy định “mở” đối với loại tài sản hiện chưa có nhưng tới đây sẽ có thì vẫn có thể áp dụng được trình tự, thủ tục tại Nghị định khi đã ban hành…/.