Thẩm phán để sai sót trong nhiệm vụ không bổ nhiệm lại

08:53, 21/02/2017

Đây là một trong những quy định tại Dự thảo “Quy định về xử lý vi phạm với công chức, viên chức và người lao động trong các tòa án Nhân dân” đang được Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao lấy ý kiến các đơn vị, cá nhân.

Theo đó, quy định này điều chỉnh về việc xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong cơ quan Tòa án nhân dân gồm Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

 

Cụ thể, Dự thảo này đã quy định rõ người có chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có những hành vi sai sót trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật thì có thể xử lý trách nhiệm bằng các hình thức khác nhau: Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ; Dừng việc thực hiện nhiệm vụ; Tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán; Không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán.

 

Đáng chú ý, Dự thảo quy định, trong nhiệm kỳ Thẩm phán có một trong những sai sót sau đây thì không được đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán: Tổng số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan quan chiếm tỷ lệ trên 3% so với tổng số vụ việc đã giải quyết. Trong một năm công tác có vụ việc bỏ lọt tội phạm đối với 02 bị cáo do lỗi chủ quan của Thẩm phán và được xác định bằng một bản án có hiệu lực pháp luật kết luận bản án có bỏ lọt tội phạm. Trừ trường hợp Thẩm phán đã thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng Viện Kiểm sát nhân dân giữ nguyên quan điểm truy tố dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

 

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, trong nhiệm kỳ, Thẩm phán có tổng số vụ, việc được giao giải quyết, xét xử từ 100 vụ, việc đến dưới 800 vụ, việc nếu trong đó số vụ, việc bị hủy chiếm tỷ lệ từ 1,16% đến dưới 3%; Thẩm phán có tổng số vụ, việc được giao giải quyết, xét xử dưới 100 vụ, việc nếu trong đó số vụ, việc bị hủy chiếm tỷ lệ từ 1,16 % đến dưới 3%... bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại.

 

Trong một nhiệm kỳ, Thẩm phán có hành vi sau đây thì bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán: Áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ không đúng theo quy định của pháp luật đối với 03 bị cáo; Áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ rõ ràng không đúng theo quy định của pháp luật đối với bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc đối với bị cáo phạm tội khác nhưng gây dư luận xấu…

 

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Dũng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc ban hành Dự thảo trên có ý nghĩa quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với người giữ chức danh tư pháp trong cơ quan của tòa án; góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong công tác xét xử.

 

Dự thảo đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án. Việc quy định thẩm phán không được đề nghị bổ nhiệm lại nếu sai sót trong nhiệm vụ là cần thiết nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm công vụ của mỗi thẩm phán, giúp họ thận trọng, trách nhiệm hơn trước  khi đưa ra phán quyết, đồng thời bảo đảm công tác giải quyết các vụ án một cách khách quan, toàn diện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao Hoàng Văn Hồng cho hay: Đây không chỉ là những quy định nhằm xử lý cán bộ mà còn là công cụ để bảo vệ cán bộ. Bởi, vừa giúp người quản lý siết chặt kỷ cương, kỷ luật, vừa để cho từng cán bộ tòa án thận trọng hơn, từ đó hạn chế được sai lầm, sai sót trong quá trình thực thi công vụ.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến thẩm phán cũng cho rằng việc quy định thẩm phán có số vụ, việc bị hủy chiếm tỷ lệ từ 1,16 % đến dưới 3% trong tổng số vụ, việc được giao giải quyết, xét xử sẽ bị xử lý  tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại là  “căng quá” và lo ngại khi “áp lực” càng lớn thì càng sợ sai sót nhiều hơn, thậm chí không dám làm thẩm phán nữa.

 

Dự thảo cũng quy định: Thẩm phán có một trong những hành vi sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a)  Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại địa điểm, thời gian không đúng quy định;

b) Gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ việc mà mình được giao giải quyết, xét xử làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc hoặc ảnh hưởng tới uy tín của Tòa án nhân dân;

Thẩm phán có một trong những hành vi sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết, xét xử vụ việc hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật;

b)  Tổ chức, tham gia đánh bạc, gá bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Có hành vi gây rối trật tự tại cơ quan, đơn vị hoặc nơi công cộng gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân hoặc của Tòa án nhân dân.