Sáng 28/6, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin tình hình kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm. Nhiều vấn đề nóng được dư luận và báo chí quan tâm trong thời gian qua đã được lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chuyên môn trả lời, giải đáp.
* Bộ Công an thông tin về vụ việc nhà báo Lê Duy Phong
Về vụ việc cơ quan Công an thành phố Yên Bái khởi tố điều tra, tạm giữ, tạm giam nhà báo Duy Phong về hành vi lạm dụng chức quyền để vi phạm pháp luật, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, đến nay, Bộ Công an đã có báo cáo ban đầu từ Công an thành phố Yên Bái.
Theo đó, ngày 16/6/2017, nhà báo Duy Phong đã lên Yên Bái gặp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Trong buổi gặp, nhà báo Duy Phong đã nêu một số vi phạm liên quan đến quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư của Yên Bái và yêu cầu ông Sáng chuyển cho nhà báo này 200 triệu đồng. Ông Sáng không đủ tiền nên chuyển trước cho nhà báo Duy Phong 100 triệu đồng, chiều ngày hôm đó chuyển tiếp 100 triệu đồng nữa. Ngày 22/6, cơ quan Công an thành phố Yên Bái đã bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Duy Phong để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến hành vi đưa tiền của ông Vũ Xuân Sáng, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ.
Về kiến nghị chuyển vụ việc này lên Bộ Công an xử lý, Trung tướng Tuyến cho biết vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Công an thành phố Yên Bái. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng thực hiện việc giám sát quá trình điều tra để đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật.
* Khởi tố vụ việc ở Đồng Tâm nhằm tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ
Về vụ việc tại xã Đồng Tâm, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngày 15/4/2017 xảy ra vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý hủy hoại tài sản theo điều 154 Bộ Luật Hình sự. Ngày 13/6, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo Điều 143 Bộ luật Hình sự).
"Việc khởi tố hình sự nhằm tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cố ý hủy hoại tài sản để điều tra xử lý theo đúng trình tự pháp luật. Còn liên quan đến việc cơ quan công an bắt giữ người, ngày 27/4/2017, đoàn thanh tra của Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, khi nào có kết quả thanh tra, kiểm tra thì sẽ công bố công khai" - Thiếu tướng Bạch Thành Định cho biết.
* Đang điều tra về sai phạm trong đóng tàu vỏ thép
Về sai phạm trong đóng tàu vỏ thép, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay đóng 557 tàu thì mới chỉ phát hiện 18 tàu ở Bình Định có vấn đề chất lượng và thấy có sai phạm ở hai doanh nghiệp đóng tàu. Còn các nơi khác cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khi xảy ra vụ việc thì đã có đoàn thanh tra và tỉnh Bình Định đã kiểm tra. Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định điều tra vụ việc.
"Tổng cục Cảnh sát đã nắm tình hình và giao Công an tỉnh Bình Định làm rõ vụ việc đồng thời hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu cá" - Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết.
Vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty Nam Triệu (đơn vị trực thuộc Bộ Công an) là đơn vị đóng 20 tàu vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định. Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư cho biết, ngay khi dư luận phản ánh về chất lượng số tàu cá này, Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật đã chỉ đạo Công ty Nam Triệu kiểm tra, ưu tiên khắc phục hư hỏng để tàu có thể ra khơi, ngư dân tiếp tục bám biển. Sau khi phát hiện động cơ sai chủng loại, công ty Nam Triệu đã làm việc với đại diện hãng Dosan ở Việt Nam, ký hợp đồng khắc phục toàn bộ số sai sót này. Đến nay đã nhập về 7 động cơ mới, 3 chiếc tiếp theo sẽ về trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo trong tháng 7 – 8 hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
"Tổng cục Hậu cần kỹ thuật đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Tinh thần là phát hiện sai phạm, khuyết điểm sẽ xử lý nghiêm túc theo pháp luật" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư cho biết.
* Kiềm chế sự gia tăng của tội phạm
Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nên đã kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; trật tự, an toàn xã hội có chuyền biến tích cực (tội phạm về trật tự xã hội giảm 3,66% so với cùng kỳ năm 2016); đã điều tra, khám phá 20.595 vụ, bắt, xử lý 42.785 đối tượng (đạt 79,67%, cao hơn 1,2% so với 6 tháng đầu năm 2016); triệt phá 843 băng, nhóm tội phạm... Phát hiện, xử lý 9.391 vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; 2.053 vụ buôn lậu; 3.160 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; phát hiện, xử lý 11.324 vụ, bắt 17.210 đối tượng về ma túy, thu 379,423 kg heroin; 759,131 kg + 436.115 viên ma túy tổng hợp; 251,306 kg cần sa. Giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,93%; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.163 đối tượng truy nã...
Tình hình trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm. Nhiều kế hoạch, phương án tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường được triển khai quyết liệt. 6 tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 4,66% số vụ; giảm 2,85% số người tử vong; giảm 14,43% số người bị thương).../.