Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Ngọc Minh và đồng phạm

14:40, 30/06/2017

Ngày 30/6, tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Ngọc Minh và đồng phạm theo kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Minh về tội "Cưỡng đoạt tài sản" và Quách Văn Lộc về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng". Các bị cáo còn lại giữ nguyên hình phạt như đã bị tuyên tại phiên tòa sơ thẩm.

 

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận tội. Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Nguyễn Ngọc Minh là người tổ chức, cầm đầu, tự đề ra thu phí bến bãi, tuy nhiên do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho người bị hại, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bản thân bị cáo Minh đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân chương lao động... nên được hưởng bốn tình tiết giảm nhẹ như bản án sơ thẩm là có căn cứ. Bởi vậy, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Minh 36 tháng tù giam về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Bị cáo Quách Văn Lộc 30 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng". Các bị cáo khác đều có vai trò giúp sức cho Minh Sâm và làm việc theo sự chỉ đạo của Minh Sâm, thậm chí có những hành động vượt quá sự chỉ đạo của Minh. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo đều làm công ăn lương, số tiền cưỡng đoạt không lớn, có thái độ thành khẩn khai báo nên Hội đồng xét xử giữ nguyên hình phạt như bản án sơ thẩm.

 

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm do Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành, bị cáo Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh Sâm), sinh năm 1960, hộ khẩu thường trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bị phạt 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và Vũ Quốc Khánh, sinh năm 1990, ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cùng chịu mức án 18 tháng 13 ngày tù; Nguyễn Thu Hằng, sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (con gái Nguyễn Ngọc Minh) bị phạt 17 tháng 19 ngày; Trần Thái Sơn, sinh năm 1991, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và Phạm Văn Đức, sinh năm 1991, ở phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn cùng chịu mức án 18 tháng 6 ngày; Nguyễn Hữu Hoàng, sinh năm 1991, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn bị phạt 18 tháng 13 ngày; Nguyễn Tiến Thắng, sinh năm 1960, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn bị phạt 18 tháng 10 ngày tù; Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1974, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 

Các bị cáo trên cùng bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Riêng đối với bị cáo Quách Văn Lộc, sinh năm 1975, tại phường Phù Khê, thị xã Từ Sơn bị phạt 18 tháng 6 ngày với tội danh "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng".

 

Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Minh Sâm và đồng phạm với những mức án mà dư luận cho rằng nhẹ so với những gì các bị cáo gây ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kết quả việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Minh cùng đồng phạm nêu trên để giải quyết tiếp vụ án theo trình tự tố tụng phúc thẩm đúng pháp luật, xử lý nghiêm tội phạm.

 

Ngay sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 19/2016/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đối với vụ án Minh Sâm và đồng phạm. Nội dung kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt với Minh Sâm và đồng phạm.

 

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2010, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại An do Nguyễn Ngọc Minh làm Giám đốc được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và chợ Phù Khê Thượng, thuộc xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn. Ngoài ra, Minh còn xây dựng và thành lập chợ Tiến Bào (xã Phù Khê). Khi các khu chợ này đi vào hoạt động, Minh không làm văn bản, tờ trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội quy, quy chế hoạt động và các mức thu phí của chợ.

 

Minh đã tự thành lập "ban quản lý chợ Đồng Bèo" và tự ra quy định về thu phí “bến bãi”, phí “công nông”. Minh giao cho con gái Nguyễn Thu Hằng và con rể Trần Thái Sơn cùng các nhân viên quản lý, tổ chức thu các loại phí trên đối với các xe gỗ ra vào khu chợ.

 

Nguyễn Ngọc Minh còn chỉ đạo nhân viên bắt buộc các xe ô tô chở gỗ khi vào khu chợ hoặc nhà riêng, kho bãi của các hộ kinh doanh phải vào “ban quản lý chợ” để hạ gỗ xuống và phải trả phí bốc xếp rồi mới tiếp tục cho vận chuyển về địa điểm tập kết.

 

Minh cùng các nhân viên “ban quản lý chợ Đồng Bèo” cấu kết chặt chẽ, dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần để cưỡng đoạt của 12 bị hại tổng số tiền 184 triệu 200 nghìn đồng (nhưng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, 3 người bị hại có đơn gửi tòa cấp sơ thẩm khẳng định việc họ nộp tiền cho "ban quản lý chợ Đồng Bèo" là tự nguyện, không bị bắt buộc và không yêu cầu gì với khoản tiền đã nộp. Bởi vậy, trong bản án sơ thẩm xác định vụ án có 9 người bị hại với tổng số tiền hơn 117 triệu đồng).

 

Trong quá trình điều tra, khi thực hiện việc khám xét tại khu xưởng gỗ nơi làm việc của Nguyễn Thành Hưng, sinh năm 1953, trú quán tại xã Phù Khê, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ trong tủ đồ cá nhân của Quách Văn Lộc 1 khẩu súng ngắn dạng K54, kèm theo 1 băng tiếp đạn bên trong có 5 viên đạn và thu giữ của Hưng một số vũ khí công cụ hỗ trợ khác như súng, 1 quả hình lựu đạn, dùi cui…

 

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Thành Hưng được coi là trợ thủ đắc lực của Minh “Sâm” sau đó đã tử vong do bệnh tật. Do đó, cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Thành Hưng./.