Bộ Y tế siết chặt quản lý đối với các cơ sở y tế tư nhân

09:17, 10/07/2017

Với nhiều sai phạm liên tiếp của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vừa qua như mời bác sĩ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép... Bộ Y tế vừa có Chỉ thị số 04/ CT-BYT để tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân.

Hiện nay, toàn quốc đã có 206 bệnh viện tư nhân và hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân. Các cơ sở tư nhân trong toàn quốc đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo diều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.

 

Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực của các cơ sở KCB tư nhân, hiện nay qua báo cáo của các Sở Y tế và thực tế Bộ Y tế kiếm tra cho thấy một số cơ sở, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật KCB như: mời bác sĩ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ KCB hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế.

 

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động KCB tư nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về KCB và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn quản lý.

 

Vừa qua, nhiều cơ sở y tế tư nhân sai phạm khi mời bác sĩ nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề dẫn tới nhiều tai biến đáng tiếc trong y khoa. Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phải tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.

 

Các trang thông tin điện tử của Sở Y tế phải đăng công khai danh sách các cơ sở KCB tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám bệnh, chữa bệnh.

 

Sở Y tế địa phương yêu cầu các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) và tại cơ sở KCB các thông tin về giấy phép hoạt động bao gồm phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm.

 

Bộ cũng yêu cầu các Sở tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề KCB tư nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về KCB. Thường xuyên kiểm tra biển hiệu quảng cáo, người hành nghề hoạt động chuyên môn của các cơ sở KCB tư nhân, việc thực hiện các quy chế chuyên môn.

 

Theo đó, khi kiểm tra, thanh tra phát hiện cơ sở KCB có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, không bao che sai phạm. Thực hiện xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, kết hợp với các hình thức phạt bổ sung như tước chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động KCB của cơ sở KCB tư nhân theo quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các Sở Y tế cần phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở KCB tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.