Nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thế chấp tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông, đồng thời tạo điều kiện cho cho người dân và các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện hoạt động vay và đi vay thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, ngày 12/7/2017, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an kiến nghị các giải pháp để xử lý vấn đề này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp phản ánh về việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD nhận thế chấp khi tham gia giao thông.
Thực tiễn cho thấy, quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp. Điều này theo NHNN có thể dẫn tới các TCTD phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.
Trên cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự 2015 và để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và các TCTD thực hiện hoạt động vay và đi vay thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, ngày 12/7/2017, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp (Văn bản số 5487/NHNN-PC) đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.
Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an (văn bản số 5486/NHNN-PC) chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD khi lưu thông phương tiện giao thông.
Trước đó, trước đó, ngày 24/5/2017, NHNN đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định 11/2012 của Chính phủ. Đồng thời văn bản này cũng được gửi cho Bộ Công an.
Sau đó, ngày 31/5/2017, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có công văn gửi công an các tỉnh nêu rõ đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính Giấy đăng ký xe trong thời hạn thực hiện hợp đồng thế chấp tại Nghị định 11/2012.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tiếp tục hướng dẫn nhân viên tín dụng làm việc với khách hàng để giữ bản gốc giấy chứng nhận đăng kí xe. Các NHTM cũng viện dẫn Điều 323, Bộ Luật Dân sự 2015 khẳng định quyền của bên nhận thế chấp là "Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp hai bên có thỏa thuận, trừ trường hợp có quy định khác”. Theo đó, trường hợp luật có quy định khác thì việc thỏa thuận đó của các bên phải tuân thủ theo Luật chứ không tuân theo quy định khác của Nghị định.
Trong lúc các văn bản chưa thống nhất, các ngân hàng cũng có lý của mình khi đưa ra lý do việc giữ giấy tờ gốc là căn cứ theo Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn./.