Sẽ xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động công chứng

07:46, 19/07/2017

Theo Bộ Tư pháp, hiện vi phạm trong hoạt động công chứng còn nhiều, nhất là tại địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, song việc xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp chưa đủ tính răn đe…  

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 2.418.274 hợp đồng, giao dịch (tăng hơn 16,6% so với cùng kỳ năm 2016), đóng góp cho Ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 158 tỷ đồng.

 

Triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đến nay, trên cả nước đã có 37 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập, đi vào hoạt động. Bộ, ngành Tư pháp đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo Đề án và chuẩn bị các hoạt động tiến tới thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam theo đúng lộ trình.

 

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa chuyển đổi xong Văn phòng công chứng từ một thành viên sang hai thành viên hợp danh trở lên theo quy định, việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng còn nhiều vướng mắc; vi phạm trong hoạt động công chứng còn nhiều, nhất là tại địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện trình tự, thủ tục công chứng một số hợp đồng chưa đúng quy định; cá biệt có những văn bản công chứng có nội dung vi phạm pháp luật; có tình trạng chứng thực không có bản chính tại một số Văn phòng, một số công chứng viên vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh…

 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cho hay: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề công chứng (phối hợp mở điểm tiếp nhận yêu cầu công chứng trái pháp luật) vẫn diễn ra ở các quận nội thành.

 

Trong khi đó, biện pháp xử lý đối với việc vi phạm về mở cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng hiện chỉ dừng ở việc phạt tiền, chưa có hình thức xử phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: tạm đình chỉ hành nghề đối với công chứng viên, thu hồi quyết định cho phép thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng vi phạm.

 

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nâng mức xử phạt trong lĩnh vực công chứng đối với một số vi phạm có tính phổ biến.

 

Đồng thời, Bộ yêu cầu Cục Bổ trợ tư pháp, Thanh tra Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra cả ở Trung ương và địa phương; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tình trạng buông lỏng quản lý, lặp đi lặp lại vi phạm. Kiên quyết rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề các trường hợp vi phạm…/.