Gần đây, Cảnh sát giao thông cho biết, sẽ xử phạt ô tô không có bản chính đăng ký xe, mặc dù chủ xe có xuất trình giấy đăng ký xe bản sao công chứng, do bản chính đã thế chấp tại ngân hàng. Nếu thực hiện xử phạt sẽ gây ra nhiều bất cập. Vậy, việc công an yêu cầu bản chính và ngân hàng giữ bản chính giấy tờ xe có đúng quy định luật?.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Minh Cường- Văn phòng luật sư Nguyễn Cường và Cộng sự cho biết, Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định người điều khiển phương tiện giao thông phải mang bản chính đăng ký khi tham gia giao thông. Vì vậy, công an yêu cầu xuất trình bản chính là đúng với quy định. “Lâu nay cảnh sát giao thông chưa thực hiện quy định này, nay công bố thực hiện nên dấy lên lo ngại trong dư luận, chứ hoàn toàn không phải là quy định mới”, Luật sư Cường nói.
Tuy nhiên theo luật sư, dư luận lo ngại cũng có lí do của họ bởi có rất nhiều chủ xe ô tô sẽ không thể xuất trình bản chính đănng kí xe do giấy tờ này ngân hàng đang giữ khi thế chấp tài sản là ô tô. Theo số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng. Đây là bất cập lớn, làm khó các chủ xe khi tham gia giao thông. Vậy, ngân hàng giữ bản gốc đăng kí xe là đúng hay sai?
Theo nghị định 163/2006 của Chính phủ, khi chủ xe thế chấp tài sản là xe ô tô, ngân hàng được phép giữ bản chính, chủ sở hữu cầm bản sao đăng ký xe để tham gia giao thông. Các ngân hàng đã căn cứ vào quy định tại nghị định này để giữ một cách hợp pháp bản gốc đăng ký xe ô tô đang thế chấp.
Tuy nhiên, kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2012 khi Nghị định 11/2012 sửa đổi Nghị định 163/2006 có hiệu lực thì, các ngân hàng không được phép giữ bản chính đăng ký xe ô tô thế chấp. Vì Nghị định 11/2012 đã bổ sung Điều 20a nghị định 163/2006 (Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp) như sau:“Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.
Như vậy, về nguyên tắc, ngân hàng sẽ phải trả lại bản gốc thế nhưng theo nhận định của luật sư Cường, thực tế các ngân hàng sẽ né quy định này vì họ muốn giữ bản gốc để nắm “phần chuôi”. Bởi, ngay cả khi ngân hàng đã nắm bản chính thì yếu tố đảm bảo tài sản là phương tiện giao thông cũng rất mong manh.
Đây là lí do ngân hàng lách luật dưới hình thức khách hàng thế chấp bằng ô tô thường viết giấy tự nguyện gửi giấy tờ xe tại ngân hàng. Điều này, đồng nghĩa với việc rất nhiều chủ xe ô tô là con nợ của các ngân hàng sẽ không thể xuất trình bản chính đăng ký xe khi có yêu cầu của lực lượng chức năng. Vì vậy, dù cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình bản chính đăng ký xe là đúng quy định nhưng nếu áp dụng thực hiện ngay sẽ làm khó người dân, ngân hàng sẽ lúng túng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tài chính này.
Theo luật sư, các bộ ngành liên quan cần sớm ngồi lại với nhau để tìm giải pháp sao cho hài hòa nhất giữa các bên, đảm bảo đúng quy định pháp luật và thuận tiện cho người dân, ngân hàng, đồng thời thống nhất giữa Nghị định 163/2006 sửa đổi bởi Nghị định 11/2012 và Bộ luật Dân sự 2015 về quyền và trách nhiệm của bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Bởi, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: bên nhận thế chấp được phép Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Về Nghĩa vụ của bên thế chấp, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”./.