Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án, trong đó đáng chú ý, quy định tại phiên tòa hình sự sơ thẩm- phúc thẩm, luật sư được bố trí ngồi “ngang bằng” với kiểm sát viên.
Hiện nay TAND các địa phương thường bố trí vị trí ngồi theo mô hình: Hội đồng xét xử (HĐXX) ngồi chính giữa hội trường; đại diện viện kiểm sát và thư ký phiên tòa ngồi hai bên và ngang hàng với HĐXX.
Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và những người tham gia tố tụng ngồi phía dưới, thấp hơn vị trí ngồi của HĐXX, viện kiểm sát và thư ký.
Tuy nhiên, Thông tư 01 đã quy định vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa.
Tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện Viện kiểm sát được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của Thư ký phiên tòa.
Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, người bị kết án được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của Tòa án.
Thông tư quy định phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Vị trí của HĐXX, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.
Sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng phòng xử án hình sự, vị trí của HĐXX (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Vị trí của thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa). Tiếp đến là vị trí của đại diện VKS và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa…
Một điểm đáng chú ý khác tại Thông tư này là vành móng ngựa được thay thế bởi bục khai báo.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Thời gian qua, vấn đề bố trí chỗ ngồi của đại diện Viện kiểm sát luật sư ở các tòa án cấp tỉnh/thành trên cả nước đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều, đặc biệt là sự không đồng tình của giới luật sư. Các ý kiến luật sư cho rằng, xét về quan hệ tranh tụng thì quyền và nghĩa vụ của kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng ngang bằng nhau, nên đại diện viện kiểm sát không thể có vị trí ngồi cao hơn những người tham gia tố tụng. Để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng thì những chủ thể có quyền tranh tụng phải có vị trí ngồi ngang bằng nhau.
Theo Luật sư TS. Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, với việc hiện thực hoá mô hình các vị trí trong phòng xử án, Thông tư 01 đã thể hiện vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử, bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án giữa chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Vượt qua giới hạn vị trí, hình thức chỗ ngồi, đây là cơ hội chuyển đổi sâu xa hơn nữa trong nhận thức về sự bình đẳng trong thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội, phản ánh chiều sâu của nhận thức và quan điểm về cải cách tư pháp.
Việc quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, minh bạch, đảm bảo tính khả thi, trong đó có vị trí chỗ ngồi, sẽ tạo điều kiện cho việc hành nghề của luật sư được thuận lợi, nâng cao được trách nhiệm xã hội, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng./.