Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy các vụ lừa đảo tại nhà khiến người dân rất lo lắng, trong khi đó, việc tuyên truyền, khuyến cáo của chính quyền địa phương cũng như cơ quan công an lại chưa sâu rộng. Hai vụ việc xảy ra mới đây tại phường Hương Sơn và phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) tiếp tục là những bài học cảnh giác cho tất cả mọi người.
9 giờ ngày 16-9, khi đang ở trong nhà, bà Đàm Thị Đũi, tổ 35A, phường Hương Sơn nghe có tiếng gọi ngoài cổng nên bước ra. Khi thấy bà bước lại gần cửa cổng, người đàn bà lạ mặt khoảng hơn 40 tuổi, người đậm, da đen, đứng cạnh chiếc xe máy dựng ngoài cổng đã ném một bọc qua cánh cửa cổng rồi nói: Cháu ở công ty môi trường, mang cho bà mấy túi thông cống và diệt muỗi, dán. Ngày mai, sẽ có người đến thông cống và phun thuốc diệt muỗi cho bà. Vì đã nghe nhiều đến việc bị lừa nên bà Đũi một mực từ chối và nói gia đình tôi không cần mấy thứ này, chị mang đi cho. Nói rồi, bà Đũi cầm túi nilon đó ném lại ra ngoài cửa. Lúc này, người phụ nữ kia lại giới thiệu: Cháu là cán bộ phường, đang đi triển khai xây nhà vệ sinh tự hoại cho các gia đình độc thân, trong đó có gia đình bà.
Bà Đũi bảo, gia đình tôi có nhà vệ sinh rồi, không cần xây. Người phụ nữ kia lại nói: Sao bà dại thế, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng, tội gì bà không nhận. Bà chỉ cần đối ứng 240 nghìn đồng là được. Bà không xây nhà vệ sinh thì bà xây cái khác cũng được mà. Bà Đũi vẫn một mực từ chối thì người phụ nữ kia lại thuyết phục: Cháu chẳng hiểu bà thế nào, nhà bà Lương, bà Năm Mạnh đều đồng ý làm hết rồi, chỉ có bà là từ chối. Rồi người phụ nữ này lôi trong túi ra quyển hóa đơn và nói: Bà mà đồng ý, ngày mai, chỉ cần bà mang tờ hóa đơn này lên thành phố là được nhận ngay 7 triệu đồng. Cháu có 5 phiếu ưu tiên, nếu bà muốn, cháu sẽ cho gia đình 2 phiếu. Nếu bà không đi được, bà đưa 480 nghìn đồng để cháu nộp hộ, khi nào lĩnh đủ 14 triệu thì nộp thêm 400 nghìn đồng cho cháu.
Nghe thuyết phục một lúc, lại thấy có cả hóa đơn nên bà Đũi đồng ý và vào nhà lấy 480 nghìn đồng đưa cho người này. Lúc phụ nữ lạ mặt, người phụ nữ đó lại ném túi nilon lúc trước qua cánh cửa cổng và nói: Thứ 2, sẽ có người đến giặt màn và phun thuốc diệt muỗi cho bà; còn ngày mai, lúc 11 giờ 30 phút, bà mở ti vi ra sẽ thấy có tên bà trong danh sách hỗ trợ xây nhà vệ sinh. Để bà Đũi yên tâm hơn, người này còn ghi lại cả số điện thoại phía sau hai tờ hóa đơn là 0167.3725344, với họ tên là Võ Thị Hà…
Khi người phụ nữ vừa đi khỏi, bà Đũi như tỉnh khỏi cơn mơ và lờ mờ hiểu ra là mình bị lừa nên mở cổng đi sang nhà hàng xóm kể chuyện. Theo số điện thoại mà đối tượng ghi lại bà Đũi gọi vào thì, người đầu dây bên kia cho biết họ không phải tên Hà. Bà Đũi lại sang nhà bà Năm Mạnh thì cũng được trả lời là không có việc được triển khai xây nhà vệ sinh…
Bà Đũi cho biết: Ở một mình nên tôi luôn có ý thức cảnh giác với những người lạ. Cũng chính vì thế, tôi đã không mở cổng cho chị ta vào. Nhưng tôi chưa nghe thấy ai nói bị lừa theo cách này nên không lường hết được. Tôi có cảm giác như lúc đó mình bị thôi miên, giờ còn không nhớ nổi chị ta đi xe máy màu gì. Từ hôm đó, lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an.
Cũng ở một mình, nhà lại cách đường cái một đoạn dài hơn 10 mét nên bà Tạ Thị Tâm, ở tổ 26, phường Cam Giá cũng đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, với số tiền 2,8 triệu đồng và 1 chứng minh thư nhân dân. Bà Tâm kể: Ngày 10-9, tôi đang ở trong nhà thì có 1 thanh niên người to béo, da ngăm đen, đi xe máy, chừng 30 tuổi gọi cửa. Tôi mở cổng mời vào nhà nhưng anh ta lại ngồi ngoài hiên để nói chuyện. Anh ta bảo, hồi đầu năm, bà mua đầu kỹ thuật số và đã may mắn trúng thưởng 2 triệu đồng. Để được lĩnh thưởng, bà đưa cho cháu chứng minh thư và 3 triệu đồng để cháu đi làm thủ tục, sau đó sẽ đưa lại bà 5 triệu. Để tạo lòng tin, ngay từ lúc đến, đối tượng này đã nói cười rất tự nhiên như những người quen thân, còn bảo: Bà không nhận ra cháu à? Cháu là bạn thằng Quỳnh Thưởng (cháu ngoại bà), đã vào nhà bà chơi nhiều lần rồi. Nghe giới thiệu thế, lại đúng là hồi đầu năm, tôi có mua 1 đầu kỹ thuật số nên tôi đã lấy chứng minh thư và 2,8 triệu đồng đưa cho anh ta. Thấy số tiền không đủ theo yêu cầu, người này hỏi lại thì bà bảo, tôi chỉ còn từng đó. Cầm tiền và chứng minh thư, người này lại bảo, bà vào lấy cho cháu sổ hộ khẩu để đối chiếu thêm. Chỉ sau chừng 2 phút tôi vào lấy sổ hộ khẩu quay ra thì đã không thấy người này đâu nữa. Lúc này, tôi mới biết mình bị lừa. Do phải làm lại chứng minh thư nên tôi đã báo cáo sự việc với Công an phường.
Từ hai vụ lừa đảo trên đây, có thể thấy, cả 2 nạn nhân đều sống 1 mình, già cả và đặc biệt các đối tượng đều có sự tìm hiểu và có được ít nhiều thông tin về người thân trong gia đình hoặc những người hàng xóm để tạo lòng tin đối với nạn nhân. Khi xảy ra sự việc, do số tiền bị mất không quá lớn, hơn nữa lại có tâm lý e ngại và nghĩ chẳng thể lấy lại được số tiền đã mất nên nạn nhân thường không trình báo với cơ quan chức năng hoặc cán bộ xóm, phố. Chính vì thế, chính quyền và ngành chức năng không nắm bắt được thông tin để đưa ra các khuyến cáo cũng như những cảnh báo cần thiết. Thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên tin vào người lạ để đưa tiền hay bất cứ loại giấy tờ gì. Đối với ngành công an và chính quyền các địa phương, cần làm tốt việc khuyến cáo đến người dân về các thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng này đã, đang lợi dụng; cung cấp điện thoại đường dây nóng để khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân có thể lập tức thông báo với cơ quan công an địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng.