Vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB Bank) – Chi nhánh Thái Nguyên đã gần 5 năm nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, khắc phục được hậu quả. Vụ án đã gây thiệt hại cho VIB Bank vài chục tỷ đồng, mất cán bộ và nhiều khách hàng sẽ phá sản vì cho người khác “vay ké”, mượn giấy CNQSDĐ. Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả này là hoạt động giám sát nội bộ của VIB Bank thiếu chặt chẽ; sự cả nể của đồng nghiệp và người thân quen nên bị đối tượng phạm tội lợi dụng…
“Đục khoét” đơn vị mình đang công tác
Là Giám đốc phòng Giao dịch VIB Phan Đình Phùng của VIB Bank - Chi nhánh Thái Nguyên, Vi Nghĩa Hà (sinh năm 1977, thường trú tại tổ 6, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên) đã có nhiều tiểu xảo tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tiền vốn của chính đơn vị mình đang công tác. Từ năm 2010 đến năm 2012, Vi Nghĩa Hà đã bỏ tiền ra nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các xã, phường xa trung tâm T.P Thái Nguyên và 2 huyện: Đồng Hỷ, Định Hoá, ô tô cũ rồi nhờ người thân đứng tên tài sản. Sau đó, tiếp tục nhờ những người này ký các hợp đồng vay vốn tại phòng Giao dịch Phan Đình Phùng. Sau khi đã thực hiện xong các thủ tục, rút được tiền vay, những người này đều đưa lại toàn bộ tiền vay cho Hà hoặc Hà lấy trực tiếp từ cán bộ giải ngân. Mặc dù giá trị QSDĐ, ô tô cũ đều không lớn nhưng với thẩm quyền được ký duyệt hợp đồng vay vốn từ 700 triệu đồng trở xuống nên Vi Nghĩa Hà đã nhờ cán bộ dưới quyền làm việc tại phòng Giao dịch VIB Phan Đình Phùng bỏ qua quy trình thẩm định, đánh giá giá trị thực của tài sản thế chấp vay vốn để cho vay hết hạn mức.
Không dừng ở đó, Vi Nghĩa Hà còn viết giấy yêu cầu thủ quỹ của phòng Giao dịch VIB Phan Đình Phùng đưa cho mình mượn một số hồ sơ thế chấp gồm 7 giấy CNQSDĐ, 1 đăng ký xe ô tô đem in sao màu rồi giao bản giả cho cán bộ đưa vào hồ sơ quản lý. 7 giấy CNQSDĐ thật, Hà đem tới Phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên xoá đăng ký thế chấp, chuyển nhượng sang tên cho 11 người khác, rồi lại nhờ họ đứng tên dùng tài sản đó thế chấp để vay vốn của VIB Bank. Bằng hình thức này, Vi Nghĩa Hà đã chủ mưu thực hiện chót lọt 36 hợp đồng vay vốn tại VIB Bank gây thiệt hại trên 17,1 tỷ đồng. Ngoài việc chủ mưu lừa đảo, Vi Nghĩa Hà còn lợi dụng các mối quan hệ để nhờ người thân, đối tác đem tài sản của họ thế chấp, đứng tên 46 hợp đồng vay vốn tín dụng tại VIB Bank nhưng chỉ nhận một phần tiền vay thực tế hoặc Vi Nghĩa Hà nhận toàn bộ số tiền vay, chịu trách nhiệm trả gốc, lãi theo thoả thuận với người đứng tên. 46 hợp đồng vay vốn này là quan hệ dân sự nên khi Vi Nghĩa Hà không trả được nợ gốc, lãi, VIB Bank có quyền thanh lý tài sàn của người đứng tên hợp đồng vay vốn. Theo thông tin chúng tôi nắm được, cả số tiền lừa đảo chiếm đoạt, nhờ người khác đứng tên hợp đồng vay vốn, Vi Nghĩa Hà đã chiếm dụng được trên 40 tỷ đồng nhưng đến nay không có khả năng thanh toán.
Đẩy người thân vào vòng lao lý, phá sản
Với vai trò chủ mưu, Vi Nghĩa Hà đã bị Toà án Nhân dân Tối cao tuyên phạt tù chung thân, hoàn trả các khoản tiền đã chiếm đoạt của VIB Bank. Hình phạt trên là thích đáng với Vi Nghĩa Hà nhưng đáng tiếc trong vụ án này còn có nhiều nhân viên làm việc tại phòng Giao dịch Phan Đình Phùng do nể nang, thiếu kiến thức đã phải lĩnh án từ 3 tới 5 năm tù giam. Ví dụ như: Nguyễn Đình Cường, Bùi Văn Sĩ, Hà Thị Thanh Thảo là nhân viên của Phòng Giao dịch VIB Phan Đình Phùng không nhận được lợi ích nhưng vì nể nang đã giúp Vi Nghĩa Hà hoàn thiện hồ sơ, quy trình để chiếm đoạt tiền của VIB Bank. Vũ Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Nga là nhân viên của Phòng giao dịch Phan Đình Phùng cũng có vi phạm khi giúp Vi Nghĩa Hà trong quá trình chiếm đoạt tiền của VIB Bank nên đang bị cơ quan điều tra xem xét xử lý bổ sung…
Không chỉ đồng nghiệp mà Ngô Quang Mạnh, Hà Văn Thuyết đều là người thân trong gia đình Vi Nghĩa Hà cũng bị cuốn vào vòng lao lý vì giúp đối tượng này đứng tên hồ sơ vay vốn nhiều lần, thu thập giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ vay vốn (Ngô Quang Mạnh đã bị tuyên phạt 20 năm tù giam). Trong vụ án này, còn có trên 70 người liên quan, như: Đứng tên tài sản, hồ sơ vay vốn giúp Vi Nghĩa Hà chiếm đoạt tài sản (không bị xử lý hình sự vì không biết hành vi phạm tội của đối tượng, không được bàn bạc, hưởng lợi ích từ các khoản vay); mang tài sản cá nhân để bảo lãnh thế chấp giúp Vi Nghĩa Hà vay vốn (đang trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự với VIB Bank trong giai đoạn 3 của vụ án). Chị N.T.C ở xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) cho biết: Quen biết Hà nhiều năm nên khi đối tượng nhờ đứng tên mua một mảnh đất ở xã Cao Ngạn với lý do Hà ngại kê khai tài sản cá nhân nên đã đồng ý, không có nghi ngờ gì cả. Hà nhờ ký hợp đồng vay vốn chị C. có thắc mắc nhưng đối tượng nói tài sản thế chấp là mảnh đất ở xã Cao Ngạn, không trả được ngân hàng sẽ thanh lý, chị không phải chịu trách nhiệm tiền lãi, gốc. Đến khi bị cơ quan công an triệu tập lên làm việc chị C. mới biết Vi Nghĩa Hà lừa đảo…
Thiếu quyết liệt trong việc thu hồi số tiền bị chiếm đoạt?
Nhiều năm đã trôi qua, Vi Nghĩa Hà và các đồng phạm đã phải chấp hành hình phạt tù nhưng phần dân sự của vụ án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Số tiền trên 17,1 tỷ đồng Vi Nghĩa Hà đã chiếm đoạt của VIB Bank đến nay chưa thể thu hồi do giá trị tài sản thế chấp rất thấp. 46 hợp đồng của các khách hàng cho Vi Nghĩa Hà “vay ké” hoặc vay hộ Vi Nghĩa Hà tại phòng Giao dịch VIB Phan Đình Phùng có phát sinh tranh chấp. Ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cho biết: Cơ quan thi hành án hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh tài sản để kê biên đảm bảo thi hành án cho VIB Bank theo quyết định, bản án đã có hiệu lực. Tài sản giá trị thấp, cho vay với số tiền lớn kéo dài trong 2 năm là lỗi không chỉ của cán bộ thẩm định Phòng Giao dịch Phan Đình Phùng mà việc kiểm soát nội bộ của VIB Bank cũng thiếu chặt chẽ, có sơ hở để kẻ gian lợi dụng. Để đảm bảo thông tin chính xác, an toàn theo Luật Tín dụng và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, ngày 15-8-2017, chúng tôi đã đến làm việc với đại diện VIB Bank – Chi nhánh Thái Nguyên để xác minh lại một số thông tin, trao đổi về giải pháp thu hồi nợ đối với các khoản vay có liên quan đến bị cáo Vi Nghĩa Hà. Nhưng đại diện VIB Bank – Chi nhánh Thái Nguyên thông tin chỉ Tổng Giám đốc VIB Bank mới được quyền phát ngôn và sẽ báo cáo nội dung phỏng vấn với cấp trên. Đã qua hơn 2 tháng nhưng Tổng giám đốc VIB Bank không có thông tin phản hồi khiến công luận nghi ngờ lãnh đạo đơn vị này thiếu quyết liệt trong viêc thu hồi số tiền lớn đã bị Vi Nghĩa Hà chiếm dụng...