Cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đang là yêu cầu bức thiết hiện nay để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quản lý điều hành theo pháp luật và phát huy quyền làm chủ của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai các bước, như: quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; yêu cầu các địa phương trong tỉnh bám sát văn bản hướng dẫn của cấp trên để xây dựng kế hoạch triển khai thực. Từ năm 2018, chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xét công nhận các danh hiệu của cấp xã, trong đó có xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Ngày 8-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 619/QĐ-TTg yêu cầu các địa phương trong cả nước phải nghiêm túc thực hiện việc xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải thực hiện 5 tiêu chí, gồm: Đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm); thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã (30 điểm); phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm); hoà giải cơ sơ sở (10 điểm); thực hiện dân chủ cơ sở (20 điểm). Cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa và tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III. Ngoài ra, cấp xã còn phải có kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên, trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra...
Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm (tính từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12) và được thực hiện thông qua quy trình như sau: Công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tự chấm điểm. Căn cứ kết quả tự chấm điểm và kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, công chức tư pháp - hộ tịch tổng hợp báo cáo, trình Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có sự tham dự của đại diện Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trường hợp xét thấy đủ điều kiện, Chủ tịch UBND xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến phòng Tư pháp cấp huyện để thẩm tra; tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Nếu đủ điều kiện, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25 tháng 1 của năm liền kề sau năm đánh giá.
Theo đại diện Sở Tư pháp: Để làm tốt công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn pháp luật, trước tiên, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và nội dung của quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở cho mọi tầng lớp nhân dân và mỗi cán bộ, công chức, giúp họ nhận thức đúng đắn và đầy đủ về công tác này. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu tiếp cận và dần thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ có liên quan; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động công vụ thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 15-8 vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt Quyết định số 619/QĐ-TTg tới lãnh đạo phòng Tư pháp của 9 huyện, thành, thị và cán bộ tư pháp - hộ tịch của 100% xã, phường, trong tỉnh.
Mặc dù là chính sách mới nhưng cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng (Đại Từ) cho biết: Nhiều nội dung công việc trong Quyết định số 619/QĐ-TTg đã được địa phương triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhưng chưa thực sự bài bản, khoa học. Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, lãnh đạo UBND xã đã giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai xã chuẩn tiếp cận pháp luật từ năm 2018. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền giữ vai trò nòng cốt, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở và người dân.
Bên cạnh đó,UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức cấp xã, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ gắn với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, để khi người dân, tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ thì hoạt động công vụ phải đáp ứng đầy đủ, đúng pháp luật yêu cầu hợp pháp của họ. Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị mình phụ trách trong triển khai thực hiện, chủ động phối hợp với ngành Tư pháp để triển khai, kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để đề xuất, tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Song song với các giải pháp trên, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thiết chế được giao nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và bộ máy bảo đảm thực hiện các thiết chế pháp luật; bố trí đủ nguồn lực kinh phí, cơ sở vật chất gắn với trách nhiệm xây dựng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để có đủ nguồn lực tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về xây dựng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật, thực hiện đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật. Một giải pháp quan trọng mà ngành Tư pháp đề nghị các địa phương trong tỉnh là quan tâm đúng mức công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cần phải được chú trọng để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh, phân tích, làm rõ nguyên nhân. Từ đó, rút ra những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn khá mới mẻ nhưng có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và phải được đặt trong tổng thể với việc thực hiện đồng bộ, thống nhất với các nhiệm vụ chính sách khác nên rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, nhất là ở cấp xã. Khi chuẩn tiếp cận pháp luật cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện thành công sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần đưa pháp luật vào đời sống.