Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11, với tỷ lệ 87,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Luật Lâm nghiệp bao gồm 12 Chương, 108 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Luật quy định rõ, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.
Theo Luật lâm nghiệp, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Về quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chức năng chấp pháp của kiểm lâm; không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Trước đó, trước khi thông qua Luật này, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp.
Theo báo cáo giải trình, ngày 24/10/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về cơ bản đều tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội. Sau Phiên thảo luận tại Hội trường, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Về tên gọi của Luật, phần lớn các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với tên gọi của Dự án Luật là Luật Lâm nghiệp như đề xuất của Chính phủ. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho đổi tên Luật là Luật Lâm nghiệp.
Về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng (Điều 23), báo cáo giải trình nêu rõ: có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị bỏ cụm từ "ủy quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện quyết định thu hồi rừng" tại khoản 3, Điều 26 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến ĐBQH là hợp lý. Tuy nhiên, việc thu hồi rừng phải gắn với thu hồi đất, trong khi Luật Đất đai (khoản 3, Điều 66) quy định việc thu hồi đất trong trường hợp có cả đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và của UBND cấp huyện thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi để giảm bớt thủ tục hành chính. Vì vậy, để thẩm quyền này đồng bộ với quy định của Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi rừng, đề nghị Quốc hội cho thể hiện quy định này như Dự thảo Luật.
Về quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Chương XI), báo cáo giải trình cho thấy, có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên quy định trong Dự thảo Luật về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp; cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm; đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của kiểm lâm vì họ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ rừng.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát chỉnh sửa các quy định trong Dự thảo Luật theo hướng: phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chức năng chấp pháp của kiểm lâm; không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Để thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Chỉ thị 13-CT/TW của Ban bí thư đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PRT) là: “Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, BV&PTR”, Dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Điều 100); quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 101) và trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp (Điều 102); chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức kiểm kiểm lâm và những điều kiện cần thiết để bảo đảm hoạt động của lực lượng này (Mục 2, Chương XI). Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật./.