Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi là Luật) được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Theo Bộ Tư pháp, để bảo đảm cho các chính sách đã được cụ thể hóa trong Luật được thực hiện có hiệu quả trên thực tế, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đảm bảo thực thi các quy định của Luật, tạo điều kiện tốt nhất cho người bị thiệt hại trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, Chính phủ cần phải quy định các biện pháp để thực hiện công tác bồi thường nhà nước có hiệu quả.
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 06 Chương và 32 Điều bao gồm các nội dung quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN về thiệt hại được bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ và phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
Quy định chi tiết về xác định thiệt hại là các chi phí khác được bồi thường
Về việc xác minh thiệt hại, dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc xác minh thiệt hại theo quy định tại Điều 45 của Luật đối với các vấn đề như sau:
Quy định chi tiết các loại giấy tờ cụ thể đối với từng loại thiệt hại mà cơ quan giải quyết bồi thường phải căn cứ vào đó để tiến hành xác minh thiệt hại; Quy định cách thức xác minh thiệt hại; Quy định chi tiết các trường hợp được yêu cầu người yêu cầu bồi thường, cá nhân, tổ chức khác có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ;
Quy định chi tiết các trường hợp phải tiến hành định giá tài sản, giám định thiệt hại và bảo đảm kinh phí để định giá tài sản, giám định thiệt hại; Quy định chi tiết các trường hợp được lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức về thiệt hại, mức bồi thường và có thể lấy ý kiến đối với cá nhân, tổ chức nào. Đồng thời, quy định trách nhiệm trả lời của các cá nhân, tổ chức được lấy ý kiến; Quy định chi tiết về các trường hợp và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền tham gia vào việc xác minh thiệt hại theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường; Quy định chi tiết nội dung chính của báo cáo xác minh thiệt hại.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trên thực tiễn,dự thảo Nghị định quy định trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không thụ lý hồ sơ với căn cứ thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết mà người bị thiệt hại chứng minh được việc đã nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước khác trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người bị thiệt hại đã chứng minh việc đã nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước khác, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại vẫn phải thụ lý hồ sơ.
Cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai
Liên quan đến quy định phục hồi danh dự, dự thảo Nghị định quy định thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong việc tổ chức thực hiện việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; nội dung chính của bài trình bày trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; các bước tiến hành tại buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.
Dự thảo quy định rõ 02 trường hợp: trường hợp đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương và trường hợp đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo cấp tỉnh; nội dung chính của bài đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm của cơ quan báo chí và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong việc tổ chức thực hiện việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai (Điều 20 dự thảo Nghị định).
Về xác định trách nhiệm hoàn trả, dự thảo Nghị định quy định chi tiết các nội dung sau: Xác định lương của người thi hành công vụ làm căn cứ để xác định trách nhiệm hoàn trả, các mức hoàn trả cụ thể trong các giới hạn “từ 30 đến 50 tháng lương” và “từ 03 đến 05 tháng lương” tương ứng với số tiền cụ thể mà Nhà nước đã bồi thường; cách thức để xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây ra thiệt hại; các trường hợp chủ động khắc phục hậu quả và trường hợp xác định hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người thi hành công vụ để làm căn cứ giảm mức hoàn trả của người đó và nội dung chính của quyết định giảm mức hoàn trả; Việc thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả; thành phần Hội đồng; Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường trong việc ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ hoặc có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có liên quan ra quyết định hoàn trả đối với người tiến hành tố tụng do cơ quan đó quản lý; nội dung chính của Quyết định hoàn trả; Các trường hợp mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại số tiền mà người thi hành công vụ đã hoàn trả; thủ tục trả lại tiền hoàn trả cho người thi hành công vụ gây thiệt hại…
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường, Dự thảo Nghị định quy định các vấn đề sau đây: Trường hợp chỉ có một cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi hồ sơ cho cơ quan giải quyết bồi thường để thụ lý, giải quyết.
Bộ Tư pháp xác định cơ quan giải quyết bồi thường đối với các trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan trung ương và cơ quan địa phương gây ra thiệt hại; Trường hợp cơ quan đã ra quyết định giải thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cơ quan bị giải thể là cơ quan ở Trung ương.
UBND cấp tỉnh xác định cơ quan giải quyết bồi thường khi không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây ra thiệt hại thuộc phạm vi địa phương mình…
Dự thảo cũng quy định rõ Bộ Tư pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi cả nước./.