Mới đây, Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của người dân về việc cán bộ xóm Dứa, xã Ký Phú (Đại Từ) thực hiện việc giao khoán đất công của xóm cho một số gia đình không đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, do việc quản lý thiếu chặt chẽ nên đến nay, một phần diện tích đất công này đã bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm để sử dụng…
Để tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Thái Nguyên đã làm việc với chính quyền địa phương và được biết, diện tích đất công ở xóm Dứa là 20ha, trong đó có khoảng 10ha đầm và phần còn lại là gò đồi. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích đất này thuộc sự quản lý của HTX Bình An. HTX giao khoán cho xã viên nuôi cá, trồng chè trên toàn bộ diện tích được giao quản lý. Sau khi HTX giải thể, phần đất này do xóm Dứa quản lý. Với mục đích không để lãng phí đất và hoa màu trên đất, xóm Dứa tiếp tục giao khoán diện tích đất gò, đầm trên cho dân để lấy kinh phí phục vụ cho các hoạt động chung. Năm 2013, UBND xã Ký Phú đã quy hoạch diện tích đầm thành khu chăn nuôi tập trung, khu gò thành khu dân cư (theo quy hoạch nông thôn mới). Trong thời gian chưa thực hiện dự án, UBND xã tạm giao cho xóm quản lý, có thể được khoán cho nhân dân xóm tạm thời trong thời gian 5 năm để quản lý đất, tránh việc nhân dân lấn chiếm (việc giao quản lý không có văn bản).
Căn cứ vào đó, đến năm 2015, khi thời hạn giao khoán trước đó đã hết, xóm tiến hành giao khoán lại cho dân theo hình thức bốc thăm. Kết quả, khu Đầm Dong có 14 hộ tham gia bốc thăm, trong đó ông Lê Văn Thật trúng thăm với mức khoán là 30 triệu đồng. Khu Đầm Giữa, có 8 hộ tham gia bốc, trong đó ông Nguyễn Văn Long trúng thăm với mức khoán là 7 triệu đồng. Riêng khu đất đồi cây Gò Cao có 75 hộ tham gia bốc thăm, trong đó 8 hộ trúng với mức khoán 20 triệu đồng.
Theo biên bản họp xóm ngày 10-7-2015 về việc giao khoán đất cho các hộ dân xóm Dứa, thời hạn cho khoán kéo dài đến 50 năm và kèm theo điều kiện đối với các hộ nhận khoán là: Chỉ được sử dụng trồng trọt, cây ngắn ngày hoặc dài ngày, không làm thay đổi hiện trạng đất, không xây dựng các công trình, nhà ở. Nếu Nhà nước có nhu cầu sử dụng vào thời điểm nào thì các hộ nhận khoán sẽ được xóm đề nghị đền bù hoa lợi trên đất theo quy định hiện hành tại thời điểm đó.
Ông Ngô Văn Bản, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Việc giao khoán với thời hạn 50 năm là không đúng quy định… Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hình thức và thủ tục giao khoán cũng không đúng theo quy định của Nhà nước, khi chỉ có duy nhất biên bản họp xóm mà không thực hiện đấu giá và làm hợp đồng giao khoán đất cho dân.
Sau nhiều năm giao khoán đất cho người dân, xóm Dứa đã thu được 430 triệu đồng. Theo đó, xóm đã sử dụng 230 triệu đồng vào việc xây nhà văn hóa xóm (năm 2015), 180 triệu đồng để xây dựng đường bê tông, còn lại 12 triệu đồng chưa sử dụng. Nhờ đó, người dân không phải đóng góp nhiều cho việc làm đường và xây dựng nhà văn hóa xóm. Dù vậy, việc sử dụng số tiền thu được từ việc giao khoán đất công ích của xóm vẫn bộc lộ những thiết sót bởi thời gian qua, xóm chưa xây dựng quy chế về sử dụng tiền quỹ chung, các khoản đã chi thể hiện thiếu chi tiết, rõ ràng…
Qua trao đổi với ông Lỗ Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ xóm Dứa, chúng tôi được biết, do chưa được cắm mốc giới cụ thể nên hiện nay, nhiều hộ dân có đất nằm giáp danh với phần đất gò, đầm nêu trên đã lấn chiếm, xây tường bao và đang sử dụng phần đất đã chiếm dụng.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã giao cho xóm Dứa thống kê, kiểm tra, giám sát, quản lý giúp xã toàn bộ phần đất công thuộc địa phận xóm gồm: Đầm Dong, Đầm Giữa và đồi cao Gò Cây. Khi phát hiện hộ nào tự ý đào, san lấp, xây dựng công trình trái phép thì kịp thời cáo cáo UBND xã giải quyết. Đối với các hộ có nhu cầu về đất ở, phải có đơn đề nghị UBND xã xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo chúng tôi, cùng với những biện pháp nêu trên, để quản lý chặt chẽ toàn bộ diện tích công trên địa bàn xã và ở xóm Dứa, Ký Phú cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát toàn bộ diện tích đất công, tránh để tình trạng lấn chiếm, gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án đã được quy hoạch. Cùng với đó, tiến hành cắm mốc giới những phần đất công đã quy hoạch thực hiện các dự án của địa phương. Khi diện tích đất của các hộ dân không đúng với sơ đồ, diện tích đã cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần xem xét, nếu có hiện tượng chiếm dụng thì phải có các biện pháp xử lý và thu hồi trả lại cho Nhà nước theo đúng quy định. Đồng thời, cần hướng dẫn các xóm thực hiện việc giao khoán đất công theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng đối với xóm Dứa cần phải công khai minh bạch, chặt chẽ trong việc sử dụng tiền quỹ chung, tạo dựng niềm tin cho nhân dân. Nhất là hiện nay, khi các địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cần có sự chung tay, góp sức của toàn dân trong việc thực hiện các tiêu chí, thì việc tạo niềm tin trong nhân dân càng cần phải củng cố.