Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên có thể bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Đây là một trong những nội dung tại dự thảo nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.
Tại dự thảo, cơ quan chức năng đề xuất nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.
Trong đó, một trong các mức phạt cao nhất là vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
Cụ thể, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong số các hành vi sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.
Ngoài ra, hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị cũng bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.
Hành vi sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em cũng bị phạt từ 40-50 triệu đồng khi vi phạm từ 1.000 sản phẩm trở lên.
Với vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người giám hộ, người nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn; Sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng hóa, hàng giả, hàng trốn thuế, tiền tệ trái phép...
Liên quan đến vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em, dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định cũng đề xuất các mức phạt liên quan đến vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; vi phạm quy định về cấm tổ chức, hỗ trợ, xúi giục trẻ em tảo hôn; vi phạm quy định về quyền được học tập của trẻ em; vi phạm quy định về cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em...
Dự thảo Nghị định này được lấy ý kiến đến ngày 16/5/2018./.