Đã có thời kỳ cây thuốc phiện, nạn tàn phá rừng đã biến Thái Lan thành một trong những địa bàn trọng điểm về trồng và sản xuất ma túy bất hợp pháp trong khu vực.
Là một bộ phận của khu vực “Tam giác Vàng”, cũng giống như Myanma và Lào, cây thuốc phiện có nguồn gốc từ Ấn Độ đã có mặt ở Thái Lan từ nhiều thế kỷ qua. Do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cây thuốc phiện phát triển tốt trên địa hình đồi dốc các tỉnh phía Tây, và Đông Bắc Thái Lan.
Cuộc sống đói nghèo của những nhóm người dân tộc thiểu số di cư sang Thái Lan từ những nước lân cận cùng với những hủ tục, trong đó có hủ tục hút thuốc phiện đã trói chặt cuộc sống với cây thuốc phiện. Đã có thời kỳ cây thuốc phiện, nạn tàn phá rừng đã làm kiệt quệ vùng đất này và biến Thái Lan thành một trong những địa bàn trọng điểm về trồng và sản xuất ma túy bất hợp pháp trong khu vực.
Các địa điểm trồng cây thuốc phiện tập trung chủ yếu ở vùng rừng núi, hệ thống giao thông kém phát triển, đời sống của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là đồng bảo Mông về pháp luật còn hạn chế vì thế công tác kiểm soát ma túy nói chung, công tác xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy ở những địa bàn này gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, mỗi năm cây thuốc phiện tại Thái Lan được trồng thành 2 vụ với thời gian mỗi vụ kéo dài khoảng 5 tháng. Từ năm 2010 trở lại đây, tình hình đã có nhiều thay đổi. Cây thuốc phiện được phát hiện trồng thành 5-6 vụ gối nhau, từ tháng 8 năm này tới tháng 4 năm sau. Không còn lệ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa và điều kiện thổ nhưỡng như trước đây, các nương thuốc phiện được phát hiện gần đây có sự đầu tư về phân bón và nước tưới từ người trồng. Có thể vì lý do đó, sản lượng nhựa thuốc phiện cũng tăng từ 23 kg nhựa lên 31 kg nhựa trên một héc-ta.
Sử dụng máy bay để giám sát
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xóa bỏ và phát triển cây có chất ma túy trong chiến lược quốc gia về kiểm soát ma túy, hơn 40 năm qua, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và nòng cốt là Ủy ban Kiểm soát ma túy của Thái Lan đã có nhiều nỗ lực từ việc khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân đến việc đầu tư khoản tiền lớn cho các dự án phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Nhờ vạch ra lộ trình rõ ràng và các bước đi rất cơ bản (sử dụng các công nghệ tiên tiến như ảnh vệ tinh, máy bay lên thẳng, máy bay không người lái,... và hơn nữa có sự phối hợp với các trường đại học để tận dụng các kiến thức về công nghệ thông tin của họ), Thái Lan ngày nay đã trở thành nước dẫn đầu khu vực và thế giới trong lĩnh vực xóa bỏ cây có chất ma túy. Nhiều kinh nghiệm của Thái Lan trong lĩnh vực này đã được “xuất khẩu” sang các nước như: Lào, Myanmar, Afganistan, Philippines,…
Sử dụng máy bay lên thẳng, máy bay không người lái để giám sát
Việc giám sát cây thuốc phiện được tiến hành lần đầu ở Thái Lan từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, với cách thức thủ công, như đưa các đoàn công tác đi bằng đường bộ đến những địa bàn tiềm năng trồng và tái trồng việc giám sát không đem lại hiệu quả cao.
Sau khi thành lập Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy (ONCB) vào năm 1976, đến năm 1979 việc khảo sát và giám sát cây thuốc phiện đã được tiến hành bài bản hơn. Bên cạnh các đoàn công tác khảo sát thực địa bằng đường bộ, Thái Lan đã bắt đầu sử dụng máy bay lên thẳng của quân đội vào mục đích này.
Với ưu thế vượt trội của máy bay lên thẳng, Thái Lan đã bao quát được một vùng rộng lớn nghi có tình trạng trồng và tái trồng cây thuốc phiện, những địa bàn rất khó tiếp cận bằng cách truyền thống. Thời gian này, Thái Lan đã bắt đầu xây dựng Trung tâm dữ liệu về diện tích cây có chất ma túy, với số liệu ban đầu trên 8 nghìn héc-ta vào năm 1984.
Không chỉ sử dụng máy bay lên thẳng để phát hiện và triệt xóa các diện tích cây thuốc phiện, máy bay lên thẳng còn được gắn loa để tuyên truyền, vận động người dân địa phương không trồng cây có chất ma túy hoặc chở những người đứng đầu cộng đồng thị sát địa bàn mà họ quản lý.
Hiện nay, toàn bộ hoạt động khảo sát và giám sát cây có chất ma túy được ONCB giao cho Viện khảo sát và giám sát cây có chất ma túy đảm nhiệm. Viện đặt tại tỉnh Chiang Mai, với 45 cán bộ. Hàng năm, cùng với với việc phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tổ chức 20 đợt khảo sát bằng đường bộ, Viện phối hợp với lực lượng quân đội thực hiện khoảng 80 chuyến bay giám sát bằng máy bay trực thăng ở những khu vực tiềm năng. Thái Lan đã đặt 2 triệu héc-ta thuộc 12 tỉnh phía Bắc, nơi có độ cao trên 800 mét so với mực nước biển và điều kiện đất đai, độ ẩm phù hợp với cây thuốc phiện vào tầm giám sát đặc biệt. Trong đó, lại chia chúng thành 76 đơn vị địa lý để tiện cho việc lập bản đồ. Sau khi xác định được vị trí của các nương thuốc phiện, cần sa, việc triệt xóa các loại cây này do các đơn vị quân đội thực hiện.
Được chính phủ Mỹ hỗ trợ trong giai đoạn đầu, đến nay kỹ thuật phân tích ảnh vệ tinh nhằm khảo sát và giám sát cây có chất ma túy đã được người Thái làm chủ. Công việc này đã giúp Thái Lan giám sát có hiệu quả tình hình trồng và tái trồng cây có chất ma túy để kịp thời can thiệp và cập nhật cơ sở dữ liệu.
Thế mạnh của phương pháp này là giám sát được một khu vực rộng lớn với chi phí tương đối thấp. Khi tích hợp với bản đồ của Google, có thể dự đoán tương đối chính xác địa điểm, diện tích và mức độ sinh trưởng của cây có chất ma túy. Các ảnh vệ tinh chụp hồng ngoại sẽ giúp phân biệt màu sắc đặc trưng cho các loại cây, nhờ đó có thể phân biệt được cây có chất ma túy với các loại cây khác. Ngoài màu sắc, kết cấu bề mặt đất và bờ các nương rẫy cũng là những nguồn thông tin rất quan trọng để phân biệt đâu là nương thuốc phiện, đâu là các nương rẫy trồng các loại hoa màu khác.
Việc sử dụng máy bay không người lái (cánh cố định) và máy bay không người lái dạng Fly-cam hoặc Krone là những nét mới trong hoạt động giám sát cây có chất ma túy tại Thái Lan. Hình thực giám sát này được áp dụng từ năm 2011 đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Với chi phí cho một công cụ như vậy chỉ dưới 2.000 USD, bán kính bay 5 km và trần bay 300-450 mét, thời gian bay 45 phút, các máy bay này do một người hoặc một nhóm người điều khiển đã phát hiện chính xác địa điểm, kích thước các nương thuốc phiện ở những khu vực con người rất khó tiếp cận.
Nhờ một phần mềm điều khiển được Trường đại học Đông – Bắc Thái Lan phát triển riêng cho các máy bay này theo đơn đặt hàng của ONCB, các máy bay theo lộ trình đã lập sẵn có thể tự bay qua các điểm nghi có cây trồng có chứa chất ma túy để chụp ảnh hoặc dẫn các đơn vị triệt xóa cây có chất ma túy.
Không chỉ giám sát cây thuốc phiện, Thái Lan hiện nay tiến hành giám sát cây cần sa, cây Kratom (một loại cây thân gỗ chứa chất ma túy nằm trong danh sách kiểm soát của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp Quốc nhưng mọc tự nhiên hoặc được trồng chủ yếu ở phía Nam Thái Lan phục vụ nhu cầu giải trí của dân địa phương) và cây Lanh Mèo. Cần nói thêm, cây Lanh Mèo tuy không nằm trong danh mục cấm trồng của Liên Hợp Quốc do hàm lượng các chất THC/CBD thấp hơn so với cây cần sa. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn đi trước các nước giám sát chặt chẽ diện tích loại cây này với mục đích tránh bị lạm dụng.
Phát triển cây trồng thay thế
Cùng với việc làm tốt công tác giám sát và triệt xóa cây có chất ma túy, các dự án phát triển thay thế cây có chất ma túy tại Thái Lan cũng đã gặt hái được nhiều thành công nhờ tính bền vững của nó. Dự án dùng cây mận thay thế cây anh túc do nhà vua Thái Lan khởi xướng từ năm 1969 tại Đồi Angkhang, của tỉnh Chiang Mai và dự án Đồi Tung do Hoàng thái hậu Thái Lan khởi xướng từ năm 1988 là những mô hình thành công và là niềm tự hào lớn của người Thái. Để triển khai các dự án này, trong hơn 40 năm qua, chính phủ Thái Lan với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, UNODC,...) đã đầu tư hơn 1 tỷ đô la phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đưa các loại cây trồng có năng xuất cao, được thị trường chấp nhận thay thế cây thuốc phiện.
Khi tích hợp với bản đồ của Google, có thể dự đoán tương đối chính xác địa điểm, diện tích và mức độ sinh trưởng của cây có chất ma túy
Những khu vực rừng ở Đồi Tung bị tàn phá xưa kia nay đã trở thành những khu du lịch hoặc những cánh rừng xanh tốt. Sự thành công của các dự án có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân cơ bản là sự cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự đầu tư lâu dài. Các chính sách phát triển phải lấy con người làm trung tâm, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, chú trọng đến đặc thù dân tộc, văn hóa,...
Để tạo được sự bền vững, chính phủ Thái Lan đã vận động các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia và đưa các loại giống cây trồng có hiệu quả như cà phê, cao su, nhãn, mận Nhật Bản, đào Trung Quốc, các loại rau, củ, quả,... Tính phù hợp và tính hiệu quả của các mô hình phát triển thay thế luôn được đánh giá, rút kinh nghiệm nên dự án ngày càng hoàn thiện.
Nhờ sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu mà các dự án thay cây của Thái Lan đã tìm được các loại cây hợp với thổ nhưỡng, có sự phát triển tốt trên vùng đất trước đây trồng cây thuốc phiện. Các sản phẩm được tiếp thị rộng rãi trên thị trường thế giới nên các sản phẩm nông nghiệp từ các dự án đã đem lại nguồn thu rất lớn cho người dân địa phương. Thu nhập của người dân từ các sản phẩm nông nghiệp đã cao gấp 8 lần so với thu nhập từ cây thuốc phiện trước đây. Vì có thu nhập cao như vậy các dự án thay cây đã thu hút con em của họ trở về sinh sống và làm việc cho dự án sau khi tốt nghiệp đại học ở các thành phố lớn.
Giai đoạn đầu, để giải quyết tình trạng người nghiện tại địa bàn trồng cây thuốc phiện, chính quyền địa phương đã tổ chức chương trình cai nghiện 1.000 ngày cho người nghiện ma túy ở địa phương. Từ hàng chục năm nay, trên địa bàn triển khai dự án Đồi Tung và Đồi Angkhang không còn phát hiện cây thuốc phiện. Người nghiện thuốc phiện, heroin đã cơ bản giảm. Hiện tượng người địa phương tham gia các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Myanmar hầu như không còn nữa. Các ngành nghề như chế biến cà phê, làm giấy dó, thổ cẩm, đồ gốm, trồng hoa phong lan đã tự hạch toán mà không cần sự trợ giúp của chính phủ.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp kể trên mà Thái Lan từ một nước trước đây có gần chục nghìn héc-ta cây thuốc phiện đến năm 2017 chỉ còn phát hiện 301 héc-ta. Thời gian tới, Chính phủ Thái lan tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm củng cố tính bền vững của các dự án kết hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, giá trị, phong tục, tập quán của người dân bản địa. Bởi lẽ khu vực tái trồng cây thuốc phiện là khu vực hẻo lánh, nhiều người di cư bất hợp pháp từ Trung Quốc, Myanmar,... Việc có công nhận những người dân này là công dân Thái Lan và cho họ hưởng các quyền công dân bình đẳng với người dân Thái Lan hay không còn đang là vấn đề phức tạp để tạo được sự ổn định lâu dài về chính trị.
Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ vĩnh viễn cây có chất ma túy thông qua việc lồng ghép nhiệm vụ xóa bỏ và phát triển cây có chất ma túy với các chương trình phát triển kinh tế như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phát triển nông thôn mới,... Diện tích trồng và tái trồng liên tục giảm trong khoảng 10 năm qua, và chỉ còn ở mức dưới 10 héc-ta năm 2017. Thành quả đạt được cũng rất đáng trân trọng. Tuy vậy, so với cách mà người Thái làm, dường như chúng ta còn thiếu cái gì đó mang tính chuyên nghiệp và bền vững.
Thiết nghĩ, việc thuê vệ tinh hoặc sử dụng máy bay lên thẳng phục vụ việc khảo sát và xóa cây thuốc phiện có thể là tương đối xa với với điều kiện nước ta hiện nay nhưng đầu tư cho 8 tỉnh tiềm ẩn nguy cơ trồng và tái trồng cây thuốc phiện ở nước ta mỗi tỉnh một chiếc Fly-cam với giá vài chục triệu đồng chắc không phải là cản trở lớn về ngân sách. Hoặc việc liên kết với một cơ sở nghiên cứu của một trường đại học nào đó lập trình cho những chiếc máy bay này như người Thái đã làm chắc cũng không phải là qua khó.
Đại tá Tạ Đức Ninh (Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công an)