Không để "chìm xuồng" kết luận thanh tra

08:08, 16/05/2018

Đầu tháng 5 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành công bố Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP (ngày 26-8-2016) về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty (TCT) Ðường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên. Ðây là một trong những đoàn giám sát đầu tiên trong năm 2018 của TTCP nhằm kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã ban hành.  

Trước đó, ngày 29-3, TTCP có Quyết định số 107/QÐ-TTCP về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và công tác theo dõi, xử lý sau thanh tra của một số bộ, ngành, địa phương.

Thực tế cho thấy, việc triển khai các đoàn công tác có nhiệm vụ giám sát việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra của TTCP là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây sẽ là minh chứng cụ thể, rõ ràng trong việc kiên quyết xử lý sai phạm, vi phạm tại các cơ quan đơn vị và ý nghĩa hơn, còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, hoạt động, hiệu quả thực chất của các Ðoàn giám sát của TTCP cần được chú trọng triển khai nghiêm túc bởi không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp luật mà còn cho thấy vị trí, vai trò, uy tín của TTCP trong nhiệm vụ xử lý triệt để các sai phạm - điều đang được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm. Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh tra vẫn còn hạn chế, như: chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm, trong khi khâu rất quan trọng là việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Ðáng chú ý, có trường hợp kiến nghị xử lý sau thanh tra thực hiện chưa nghiêm, chưa kịp thời, nhất là việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm. Việc đôn đốc, thu hồi tài sản vi phạm sau thanh tra đạt tỷ lệ còn thấp…

Ðể các kết luận thanh tra không bị "lãng quên", TTCP nói chung và Thanh tra các bộ, ngành nói riêng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Kết luận thanh tra và định kỳ (quý, năm) tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Ðối với các sai phạm chưa xử lý hoặc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của người có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan. Ðối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm cần kịp thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra, xác định công tác xử lý sau thanh tra là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Sau các cuộc thanh tra cần có biện pháp cụ thể để chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận thanh tra, bao gồm: khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý; kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra; xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm; khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý theo kiến nghị của Kết luận thanh tra. Người đứng đầu phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc chậm thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra thuộc phạm vi ngành, địa phương mình quản lý.

Kết quả giám sát thực hiện kết luận thanh tra của các địa phương, đơn vị là vấn đề đáng quan tâm, vì vậy cần công khai, minh bạch. Mong mỏi của nhân dân, của dư luận xã hội là đừng để "chìm xuồng" những vụ việc đã được thanh tra và công bố cụ thể kết quả…