Hiện nay, tỉnh ta có hơn 6 nghìn doanh nghiệp (DN), chủ yếu là các DN có quy mô vừa và nhỏ. Những năm qua, các DN đã nhận được sự hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan chức năng nhưng chưa nhiều, hiệu quả của sự hỗ trợ chưa cao… Điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các DN.
Công ty TNHH sản xuất cầu trục và kết cấu công nghiệp VNC (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) là đơn vị xuất khẩu các sản phẩm kết cấu khung thép, nhà tiền chế. Nhiều năm qua do chưa nắm đầy đủ các quy định pháp luật của các nước ngoài nên các mặt hàng xuất khẩu của đơn vị chủ yếu phải nhập cho một đơn vị thứ 3. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty cho biết: Do không nắm đầy đủ, đồng bộ và chưa hiểu đúng bản chất các văn bản pháp luật nước ngoài nên Công ty phải thông qua một đơn vị kinh doanh thương mại để hỗ trợ giao dịch, kết nối với khách hàng. Còn ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh nói: Không chỉ luật của nước ngoài mà ngay những quy định trong nước nhiều DN vẫn còn khá mơ hồ.
Với mục đích hỗ trợ DN phát triển, những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN với 5 nội dung chính: Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ DN; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức; giải đáp pháp luật bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp; tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành. Tuy nhiên, theo đánh giá chung hiệu quả của các hoạt động nói trên chưa cao. Cụ thể là hoạt động giải đáp pháp luật, hầu như chưa có DN nào gọi điện thoại hoặc trực tiếp tìm đến đơn vị đầu mối là Sở hoặc Phòng Tư pháp để nhờ trợ giúp pháp lý. Việc tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng pháp lý cho DN cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Anh Dương Hương Giang, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Bình nói: “Năm 2016, huyện Phú Bình có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho các DN trên địa bàn về những điểm mới của Luật DN, Luật Đầu tư. Mặc dù chúng tôi đã triển khai xuống các xã, thị trấn và DN nhưng chỉ có một hai DN đăng ký tham gia nên không thể mở lớp theo kế hoạch”. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ... Phần lớn DN của các huyện này là những DN nhỏ và vừa, sự quan tâm đến công tác pháp luật còn rất mờ nhạt. Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa lý giải: Huyện Định Hóa hiện có khoảng 120 DN nhỏ và siêu nhỏ. Người đứng ra thành lập, điều hành và quản lý DN đa phần chưa có hiểu biết sâu sắc về pháp luật DN. Chính vì không có biện pháp phòng ngừa nên khi xảy ra sự vụ pháp lý hoặc động chạm đến quyền lợi đa phần các DN đều bị lúng túng.
Đánh giá về hoạt động hỗ trợ pháp lý, nhiều DN cho rằng nội dung trợ giúp pháp lý còn dàn trải, chưa đi sâu vào vấn đề thực chất mà DN quan tâm. Ông Phan Quang Huy, Giám đốc Công ty Cơ khí và Vận tải An Huy, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho rằng: Các sở, ngành chức năng chưa phân loại được từng nội dung tuyên truyền phù hợp với mỗi loại hình DN. Ngoài ra, ở mỗi nội dung cần phải cụ thể, ví như hỗ trợ pháp lý cho DN tiếp cận về vốn vay, cần phải cung cấp cho DN những thông tin pháp luật cần thiết để có thể tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn ngân hàng hiệu quả nhất.
Như vậy, để hoạt động trợ giúp pháp ly cho DN được hiệu quả cần phải xuất phát từ nhu cầu của DN. Muốn vậy, theo ông Lê Văn Chiến, DN tư nhân Chiến Oanh, xã Khe Mo (Đồng Hỷ): Các cơ quan chức năng cần khảo sát các vấn đề liên quan đến các DN đang gặp khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ pháp “trúng” với nhu cầu; đồng thời tiến hành phân loại các DN để trợ giúp; nghiên cứu. Ngoài tổ chức hội nghị tập huấn, việc hỗ trợ pháp lý có thể kết hợp thông qua đầu mối các hội, hiệp hội, câu lạc bộ; kênh thông tin mạng xã hội như facebook, zalo; lồng ghép vào các buổi gặp mặt, tiếp xúc với DN. Đối với DN cần chủ động cập nhật kiến thức pháp luật; tích cực phối hợp với các cơ quan hỗ trợ pháp luật và kiến nghị và thực hiện trao đổi, gửi ý kiến về các vấn đề vướng mắc trong thực hiện các văn bản pháp luật của tỉnh và Trung ương…