Có nhiều nguyên nhân khiến công tác quản lý đất đai tại cơ sở ở một số nơi còn tồn tại, yếu kém và phần lớn các địa phương vẫn thường “kêu” đây là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, hậu quả dễ thấy trong khi việc khắc phục lại khöng dễ dàng.
Cán bộ đã làm hết trách nhiệm?
Dự buổi giao ban công tác địa chính 6 tháng đầu năm do UBND T.X Phổ Yên tổ chức mới đây, chúng tôi phần nào thấy rõ hơn những khó khăn, phức tạp và tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Tại đây, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên nhấn mạnh: Chúng ta cần chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời với công tác này. Hiện nay, còn tình trạng cán bộ một số xã chưa làm hết chức trách, thẩm quyền cứ gặp khó là “kêu” lên cấp trên, còn tình trạng cán bộ địa chính lập biên bản và tham mưu xử phạt hành chính không chính xác. Có trường hợp người dân tự ý chuyển đổi mục đích đất để làm nhà cho “được tuổi” cũng một phần do các cấp, ngành liên quan thiếu hướng dẫn chu đáo và làm thủ tục chuyển đổi cho họ chưa kịp thời. Thậm chí có lãnh đạo xóm đứng ra “nhận thầu” làm hồ sơ đất cho nhiều người dân rồi “bẵng” đi. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân một số nơi như ở xã Đông Cao chậm mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ địa chính xã. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ về đất đai có nơi chưa tốt, ví dụ như tại xã Hồng Tiến, hơn 10 bộ hồ sơ đất của người dân đã bị thất lạc, nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất khó giải quyết…
Những vấn đề T.X Phổ Yên đang gặp phải cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác. Trong khi các tồn tại, vi phạm đã xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm thì vẫn để phát sinh thêm những vi phạm mới. Và, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp cơ sở. Đó là có tình trạng còn buông lỏng quản lý hoặc vượt thẩm quyền, thiếu sâu sát dẫn đến không phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề, sai phạm khi mới phát sinh, cán bộ thiếu gương mẫu, thậm chí trực tiếp vi phạm.
Ví dụ, cuối năm 2016, một số cán bộ xã Dân Tiến (Võ Nhai) đã bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý và vượt thẩm quyền khi “cho” một xóm đứng ra bán đất công để lấy tiền xây nhà văn hóa. Cũng tại huyện Võ Nhai, đầu nhiệm kỳ này, một cán bộ đã được quy hoạch vào chức danh Bí thư Đảng ủy xã Lâu Thượng nhưng bị người dân tố giác vi phạm về đất đai nên buộc phải rút khỏi danh sách ứng cử; một Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã không được tái cử do vi phạm Luật Đất đai; một cán bộ địa chính từng công tác tại xã này cũng đang bị xem xét kỷ luật.
Hoặc như huyện Phú Lương, thời gian gần đây, qua việc tăng cường thanh, kiểm tra và qua phản ánh của người dân cũng đã có những biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, xử lý những cán bộ vi phạm, yếu kém, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai. Cụ thể như: Năm 2015, một công chức địa chính xã Động Đạt bị phê bình; năm 2016, 2 công chức địa chính xã Yên Ninh bị kỷ luật, một Phó Chủ tịch UBND xã bị phê bình trước huyện; cũng trong năm 2016, tập thể lãnh đạo UBND xã Cổ Lũng bị phê bình vì thiếu trách nhiệm trong quản lý hành lang đường, một địa chính bị kỷ luật; năm 2017, một công chức địa chính xã Tức Tranh bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong tham mưu về quản lý hành hang Quốc lộ 3 mới, Chủ tịch UBND xã bị phê bình…
Tư tưởng “tiền trảm hậu tấu”
Rõ ràng là còn tình trạng cán bộ cấp xã, nhất là công chức địa chính chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền hoặc hạn chế về năng lực. Nhưng có một nguyên nhân khách quan cần xét đến đó là công chức địa chính xã hiện đang phải “ôm” khá nhiều việc nên chất lượng công việc bị ảnh hưởng. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, các bộ địa chính xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) giãi bày: Trên địa bàn cùng lúc có nhiều dự án đang phải giải phóng mặt bằng, hoạt động xây dựng cũng gia tăng nhanh nên chúng tôi rất bận, có lúc không thể phát hiện và tham mưu xử lý kịp thời các vi phạm về đất đai… Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cho biết: Xã có 2 cán bộ địa chính nhưng một người đang được trưng tập lên huyện, hôm nào cán bộ địa chính đi giải quyết công việc thì không có người tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân tại Bộ phận một cửa của xã.
Đó là những khó khăn khách quan và những hạn chế có yếu tố chủ quan từ phía chính quyền cơ sở, nhưng cũng có những nguyên nhân xuất phát từ người dân khiến công tác quản lý đất đai luôn nan giải. Tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, “vô tư cải tạo ruộng” để làm nhà diễn ra ở nhiều nơi những năm trước đây là ví dụ điển hình nhất. Ngoài ra, nhiều hộ dân, nhất là ở vùng sâu, xa làm nhà khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có người không nắm rõ quy định trong khi có người biết vi phạm nhưng vẫn làm và nếu bị chính quyền “nhắc nhở” thì hoàn tất thủ tục sau. Gia đình ông Hoàng Công Trình (ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng) đã làm ngôi nhà cấp bốn lên đất ruộng chưa chuyển đổi từ năm 1994 và mới xây xong ngôi nhà kiên cố. Ông Trình nói: Vì không có đất thổ cư nên tôi buộc phải làm nhà vào đất ruộng dù biết như vậy là vi phạm. Mới đây, hồ sơ xin chuyển sang đất thổ cư của gia đình tôi đã được xét duyệt.
Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai phân tích: Đa phần người dân biết mình đang vi phạm nhưng họ có nhu cầu về đất ở thực sự, có hộ muốn chuyển đổi nhưng khó khăn về tài chính hoặc đất của họ không phù hợp quy hoạch, quỹ đất ở tại địa phương thiếu. Chính quyền xã không thể “canh” 24/24 giờ và khi công trình của người dân đã xây cao thì rất khó cưỡng chế. Giải pháp của chúng tôi là tập trung giải quyết những tồn tại “lịch sử” này bằng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, hướng dẫn, vận động người dân hợp thức hóa (nếu phù hợp quy hoạch) bằng cách làm thủ tục chuyển đổi; quy hoạch, xây dựng thêm các khu dân cư, tăng cường tuyên truyền đồng thời siết chặt quản lý nhằm hạn chế các vi phạm mới....
Còn một số nguyên nhân khác khiến công tác quản lý đất đai tại cơ sở luôn gặp khó khăn, phức tạp và còn không ít tồn tại, hạn chế, vi phạm. Đó là: Bản đồ địa chính của nhiều xã vì đã lập từ quá lâu (có xã từ năm 1992), nay hiện trạng đã thay đổi nhiều mà chưa được chỉnh lý nên khó đối chiếu, nảy sinh phức tạp khi giải quyết các thủ tục, hoặc là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai; một số dự án đã quy hoạch chi tiết nhiều năm nhưng triển khai chậm khiến chính quyền địa phương rất khó quản lý hiện trạng khi người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất mà “cực chẳng đã” phải vi phạm (rõ nhất là Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy phần 170ha); công tác thanh tra, kiểm tra, vận động, hòa giải mâu thẫu, tranh chấp về đất đai tại một số nơi chưa hiệu quả…
Dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì những vi phạm, hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai cũng để lại hậu quả dễ thấy và thường khiến việc giải quyết gặp nhiều khó khăn: Cán bộ bị kỷ luật, đơn thư của người dân về lĩnh vực này còn nhiều, gây thiệt hại kinh tế cho cả người dân và Nhà nước, tạo ra mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư… Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa.