Cải cách tư pháp: Những bước tiến quan trọng

10:29, 22/08/2018

Cải cách tư pháp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được Bộ Chính trị chỉ đạo trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005. Đối với Thái Nguyên, từ khi triển khai Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Năm 2018 là năm các cấp ngành, trong tỉnh tập trung nhiều thời gian, công sức, nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã 2 lần tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ để trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nội chính, phòng chống tham nhũng của các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh và khối các cơ quan nội chính của tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã thẩm định 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành của tỉnh xây dựng và thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Bình quân mỗi năm, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp đã rà soát gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật các loại.

Đối với lĩnh vực xây dựng pháp luật, trong 2017 và 7 tháng năm 2018, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để hoàn thiện tổ chức bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nên các cơ quan tư pháp của tỉnh liên tục được củng cố, kiện toàn theo chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh ta. Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh cũng đã có nhiều đóng góp cho công tác cải cách tư pháp của tỉnh trên các mặt công tác, như: tham gia trực tiếp vào hoạt động xét xử, tranh tụng tại toà, tư vấn, trợ giúp pháp lý, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp của tỉnh thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng và kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên của tỉnh đã tiến hành xem xét, tuyển chọn, trình Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp. Đặc biệt là việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ trong khối các cơ quan tư pháp của tỉnh để phát huy năng lực của cán bộ, hạn chế những tiêu cực trong quá trình thi hành nhiệm vụ đã được các cơ quan tư pháp của tỉnh thực hiện rất quyết liệt.

Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: Toà án Nhân dân tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ về mọi mặt. Thời gian qua, đơn vị đã cử nhiều lượt cán bộ đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Đồng thời, đơn vị cũng luân chuyển đối với cán bộ quản lý, thẩm phán đối để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, đẩy mạng cải cách hành chính trong Ngành thông qua tiếp nhận các yêu cầu làm việc của tổ chức, cá nhân; họp giao ban trực tuyến; công khai bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định”. Các mặt công tác khác của nhiệm vụ cải cánh tư pháp trên địa bàn tỉnh, như: Đảm bảo cở sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp; hoạt động giám sát của HĐND tỉnh với các cơ quan tư pháp cũng đạt được những kết quả quan trọng.

Qua các đợt kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan tư pháp Trung ương đều đánh giá cao những kết quả trong công tác cải cách tư pháp mà các cơ quan tư pháp của tỉnh đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt nên đại diện các cơ quan chuyên môn Trung ương đề nghị các cơ quan tư pháp của tỉnh cần thực hiện hiệu quả hơn nữa Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49, các văn bản luật có hiệu lực thi hành; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2018; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; khi tuyển chọn các chức danh tư pháp cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng cán bộ về chuyên môn, đạo đức, mối quan hệ xã hội…