Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (Kỳ 2)

10:43, 15/08/2018

Trong quá trình xác minh vụ việc phá rừng phòng hộ ở khu Đèo Cao, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trực tiếp đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Đây là diện tích rừng giáp ranh giữa 3 xã: Cây Thị, Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và xã Liên Minh (Võ Nhai).

Tình tiết hé mở

Trước thời điểm tháng 5-2015, diện tích rừng nêu trên là rừng sản xuất của các lâm trường, rồi tiếp tục được bàn giao cho Công ty Ván dăm Thái Nguyên quản lý. Ngoài ra, một số khoảnh đất tại khu vực rừng Máng Lợn, Đèo Cao là rừng tự nhiên người dân địa phương tự khai phá để trồng lúa nương, ngô từ những năm 1990. Vì hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, quản lý lỏng lẻo nên đơn vị chủ rừng đã từng để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, tranh chấp đất tại khu vực này. Ngay tại khu vực rừng Máng Lợn chị Bàn Thị Thanh tự giữ từ năm 2006 đến nay cũng chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đến nhận là chủ rừng hay đầu tư để cải tạo, tái sinh rừng.

Cả buổi chúng tôi đi quanh khu vực rừng Đèo Cao, Máng Lợn cũng khó phân biệt được đâu là rừng sản xuất, đâu là rừng phòng hộ vì nhiều lô, khoảnh mới bị phát đốt để trồng cây keo; một số khoảnh rừng tái sinh nhưng người dân đã tự ý chuyển nhượng cho nhau, trồng xen cây luồng dưới tán rừng. Đặc biệt, tại khu vực rừng Đèo Cao đã được UBND tỉnh quy hoạch là rừng phòng hộ từ ngày 21/5/2015 nhưng đã có đối tượng sử dụng máy xúc mở đường lớn để ô tô tải vào rừng phòng hộ. Việc tranh chấp ngầm khu rừng Đèo Cao, Máng Lợn thực chất đã, đang diễn ra và khoảnh rừng trên 3ha do chị Bàn Thị Thanh tự trông giữ hơn 10 năm qua là "miếng mồi ngon" cho những kẻ có dã tâm. Theo chị Thanh phản ánh, gần 1ha rừng phòng hộ ở Đèo Cao là nơi duy trì nguồn nước nên khi phát hiện có đối tượng nào đó chặt phá từ tháng 11-2016, chị muốn giữ lại rừng nên trồng keo và bị bắt.

Những cây gỗ lớn bị khai thác bằng cưa máy.

Tại hiện trường khu vực xảy ra vụ phá rừng phòng hộ, chúng tôi thấy nhiều loại cây rừng nay đã tái sinh che kín mặt đất, "vết thương" của rừng như đã lành lại. Nhưng tại đây vẫn còn những thân cây đường kính khoảng 30cm, có vết cắt của cưa máy. Nhiều người dân địa phương cho rằng với một người phụ nữ nghèo khó, yếu đuối như chị Thanh liệu có đủ khả năng bỏ ra khoản tiền cả trăm triệu đồng để mở đường lớn từ xóm Khe Cạn của xã Cây Thị lên rừng khu vực rừng phòng hộ Đèo Cao và thuê người chặt phá rừng với quy mô lớn như thế? Bà con mong muốn cơ quan chức năng tìm ra những kẻ đứng đằng sau vụ phá rừng này để xử lý, trả lại sự công bằng cho chị Thanh.

Mong vụ việc được giải quyết thấu tình đạt lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: Tuyến đường từ xóm Khe Cạn lên khu rừng phòng hộ Đèo Cao là do tổ tự quản bảo vệ rừng ở địa phương xin phép mở rộng để phục vụ công tác tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng. Việc mua bán, tranh chấp đất rừng ở khu vực Đèo Cao đã từng xảy ra từ thời kỳ thuộc sự quản lý của Công ty Ván dăm Thái Nguyên. Vẫn theo cán bộ này, 200ha rừng phòng hộ ở khu vực Đèo Cao luôn có nguy cơ bị đốt phá để khai thác lâm sản và trồng rừng kinh tế nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các xã vùng giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ. Còn ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin thêm: Việc cắm mốc giới phân định các loại rừng tại tiểu khu 190 chưa thực hiện được và việc giao khoán bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ở khu vực Đèo Cao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cũng chưa hoàn tất thủ tục giữa cơ quan chuyên môn với chính quyền địa phương.

Luật sư Hoàng Thị Hạnh (Văn phòng Luật sư Việt Bắc) được Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Nguyên cử bào chữa cho bị cáo Bàn Thị Thanh nhận định: Ngày 15/3/2017, lực lượng chức năng xã Cây Thị bắt giữ chị Bàn Thị Thanh khi không có lệnh của cơ quan đủ thẩm quyền; bị cáo là người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết mà cán bộ lấy lời khai không mời người chứng kiến; hồ sơ điều tra bị tẩy xóa, số liệu không trùng khớp là vi phạm tố tụng. Việc giải thích quyền lợi pháp lý của cơ quan chức năng đối với chị Thanh không đầy đủ nên công dân này đã bị mất quyền lợi được Nhà nước bảo vệ về pháp lý ngay từ đầu. Cơ quan chức năng giữ chị Thanh khi đang trồng rừng chứ không bắt quả tang khi phát, đốt rừng nên việc điều tra, truy tố, xét xử tuyên 3 năm tù giam, đền bù trên 56,5 triệu đồng là chưa đủ căn cứ.

Cùng quan điểm với Luật sư Hoàng Thị Hạnh, Luật sư Nguyễn Đức Vinh (Văn phòng Luật sư Đức Vinh) bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Thuấn cũng khẳng định vụ án này vi phạm tố tụng; việc xác định thiệt hại để buộc hai bị cáo đền bù cho chủ rừng là UBND xã Cây Thị trên 113,1 triệu đồng chưa đúng với hiện trạng diện tích rừng bị phá và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khi đi sâu tìm hiểu vụ án này, chúng tôi thấy 5 nhân chứng cơ quan điều tra triệu tập có lời khai khác nhau về việc chứng kiến chị Bàn Thị Thanh, anh Vũ Văn Thuấn phát, đốt rừng phòng hộ. 2/3 nhân chứng ở xóm Khe Cạn là các ông: Triệu Văn Tài, Triệu Hữu Thiện có lời khai nhìn thấy chị Bàn Thị Thanh và anh Vũ Văn Thuấn phát rừng nhưng khi luật sư hỏi có biết anh Thuấn không thì nói không biết. Đặc biệt, ông Dương Phúc Hoa, ở xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) là 1 trong 5 nhân chứng phản ánh đã phải ký vào nhiều tờ giấy trắng khi điều tra viên đến làm việc…

Qua điều tra, xác minh, chúng tôi thấy việc cơ quan chuyên môn huyện Đồng Hỷ xác định thiệt hại của diện tích rừng phòng hộ ở Đèo Cao bị phá trên 113,1 triệu đồng và giá trị thiệt hại về môi trường trên 452,2 triệu đồng (Biên bản xác định giá trị tài sản số 19/ĐGTSHS ngày 28/4/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Đồng Hỷ) chưa chính xác theo quy định của Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lý do cơ quan chuyên môn huyện Đồng Hỷ xác định thiệt hại của gần 1ha rừng phòng hộ Đèo Cao bị phá cao hơn mức quy định vì cho rằng vị trí tiểu khu 190 có đặc điểm địa hình thuận lợi nên cây rừng phát triển nhanh, mạnh, có trữ lượng gỗ lớn hơn so với quy định của pháp luật hiện hành!? Theo đồng chí Nguyễn Văn Chung, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh: Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm công khai, bị cáo kháng án theo trình tự phúc thẩm. Ngày 11/7/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử, có Bản án số 100/2018/HS-PT tuyên y án Bản án sơ thẩm số 08/2018/HS-ST của Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nên bị án có tài liệu, chứng cứ mới để minh oan cần có đơn khiếu nại tới Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tòa án cấp cao, Viện Kiểm sát cấp cao tại T.P Hà Nội theo trình tự giám đốc thẩm.

Công luận cho rằng, cơ quan tố tụng huyện Đồng Hỷ điều tra, truy tố, xét xử tội phá rừng phòng hộ là cần thiết để răn đe, nhưng trong vụ án này nên xem xét từ nhiều góc độ, nhất là tính chặt chẽ về nghiệp vụ điều tra, cách tính thiệt hại; sự kém hiểu biết về pháp luật của người dân vùng sâu, vùng xa để đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Thêm nữa, để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ ở Đèo Cao có trách nhiệm của chủ rừng là UBND xã Cây Thị và cán bộ kiểm lâm địa bàn trong việc phối hợp với chính quyền các địa phương giáp ranh để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng phòng hộ đến người dân khi việc cắm mốc giới, ký kết hợp đồng bảo vệ rừng với các tổ chức, cá nhân đủ năng lực chưa thực hiện được. Việc UBND xã Cây Thị cho phép tổ tự quản bảo vệ rừng xóm Khe Cạn mở đường quy mô lớn vào rừng phòng hộ là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Đây đã, đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc rừng phòng hộ ở Đèo Cao bị chặt phá, xâm hại trên diện rộng. Để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ ở khu Đèo Cao, cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, dồn hết cho một người phụ nữ yếu thế như chị Bàn Thị Thanh là quá bất công. Vì vậy, vụ việc này cần được các cơ quan giám sát, cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý.