Khiếu nại của người phụ nữ dân tộc Dao (Kỳ 1)

10:33, 14/08/2018

Gia đình tan vỡ, chị Bàn Thị Thanh (sinh năm 1968), người dân tộc Dao ở xóm Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai) không có nơi ở, tư liệu sản xuất nên đã một mình tìm đến khu rừng Máng Lợn dựng lều trú ngụ, bám vào rừng để sống. Hơn 10 năm, chị Thanh đã trông giữ để khu rừng Máng Lợn tái sinh, cho măng, cây thuốc, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, từ người có công tự bảo vệ rừng, bỗng chốc chị Thanh trở thành tội phạm phá rừng phòng hộ với bản án 3 năm tù giam, đền bù trên 56 triệu đồng…

Tự biến mình thành "người rừng"

Chưa đến tuổi đôi mươi, chị Bàn Thị Thanh đã được gia đình tổ chức cưới hỏi, "cúng ma" đưa về làm vợ của một người đàn ông cùng xóm mà không cần thủ tục kết hôn. Ăn ở với nhau nhiều năm và 3 đứa trẻ đã ra đời trong sự thiếu thốn. Đến năm 2006, gia đình chị Thanh tan vỡ, người chồng đã đuổi chị ra khỏi nhà mà không có tài sản. Bố mẹ đẻ, anh em ruột cho rằng chị Thanh đã  được "cúng ma" nhà khác nên không cho về nhà ở cùng. Tay trắng, không có nơi ở nên chị Thanh đã tìm đến khu rừng Máng Lợn (giáp ranh giữa huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ) mà gia đình từng phát rẫy trồng lúa nương từ những năm 1990 để dựng lều ở tạm.

Vượt quãng đường dốc dài gần 5km, chúng tôi mới đến được nơi ở của chị Thanh trên rừng Máng Lợn và thật sự ngỡ ngàng. Trên sàn của căn lều rộng vài mét vuông được chị Thanh làm cheo leo nhờ các cây rừng mọc tự nhiên chỉ có manh chiếu nhỏ, vài thứ bát đũa, nồi xoong. Không điện, không đèn, tài sản lớn nhất là con dao quắm dùng đi rừng hàng ngày. Để tồn tại, chị Thanh vào rừng kiếm măng, lá thuốc mang xuống làng đổi gạo. Hết mùa măng, lá thuốc cạn, chị Thanh quay về làng làm thuê kiếm 3 bữa ăn chứ chẳng mấy người trả tiền công. Cuộc sống cứ như vậy trôi đi nên người phụ nữ này gầy còm, tóc đã bạc và không biết đọc, biết viết, nói được rất ít tiếng Kinh. Hơn 10 năm qua, người dân địa phương coi chị như "người rừng", ít qua lại và cũng ít khi có kẻ xấu nào đến quấy phá vì biết chị chẳng có thứ tài sản gì đáng giá. Khu rừng rộng 3ha do chị Thanh tự bảo vệ hơn 10 năm qua đã tái sinh với nhiều loại cây rừng tự nhiên vươn cao che kín mặt đất.

Bản án khắc nghiệt

Cuộc sống của chị Bàn Thị Thanh đã không còn lối thoát khi bị lực lượng chức năng xã Cây Thị (Đồng Hỷ) bắt giữ ngày 15/3/2017 trong lúc đang trồng cây keo tại khu vực rừng Đèo Cao (cách căn lều của chị khoảng 200m). Cùng bị bắt trong vụ việc này còn có anh Vũ Văn Thuấn (sinh năm 1966) ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đến trồng cây giúp chị Thanh. Lý do lực lượng chức năng xã Cây Thị bắt giữ 2 người này vì nghi họ đã phát, đốt gần 01ha rừng tại tiểu khu 190, khoảnh số 17, lô 2 được UBND tỉnh Thái Nguyên quy hoạch là rừng phòng hộ theo Quyết định số 1136/QĐ-UBND ngày 21/5/2015 (trước đây là rừng sản xuất của Công ty Ván dăm Thái Nguyên).

Khi bị lực lượng chức năng xã Cây Thị giữ 3 ngày, người phụ nữ dân tộc Dao không biết đọc, viết chữ và nói được rất ít tiếng Kinh này rất sợ, không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Không thể hỏi, nói rõ đầu đuôi vụ việc với những người đang thi hành công vụ nên các biên bản chị Thanh không hiểu hết được nội dung nhưng vẫn điểm chỉ theo yêu cầu của cán bộ xã Cây Thị. Còn theo phản ánh của anh Vũ Văn Thuấn, khi đang trồng keo, hai người bị lực lượng chức năng xã Cây Thị đến còng tay, dí súng vào người dẫn giải về trụ sở UBND xã Cây Thị nhốt 3 ngày liên tục không cho liên lạc, gặp người thân. Quá lo sợ và có cán bộ xã Cây Thị nói nếu nhận phát, đốt rừng thì chỉ lập biên bản, xử phạt hành chính rồi cho về nhà nên anh đã nhận phá, đốt rừng phòng hộ. Tiếp đó, anh Thuấn bị Công an huyện Đồng Hỷ bắt tạm giam để điều tra hành vi phá rừng phòng hộ, chị Thanh được tại ngoại, cấm dời khỏi nơi cư trú.

Người phụ nữ đơn thân này đã bị Tòa tuyên án 3 năm tù giam, đền bù trên 56,5 triệu đồng.

Các tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được không đủ buộc tội và chị Bàn Thị Thanh, anh Vũ Văn Thuấn không thừa nhận hành vi phá rừng phòng hộ nên trong phiên xét xử lần đầu, Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ đã phải hoàn hồ sơ để cơ quan Công an điều tra bổ sung. Vụ việc phá rừng phòng hộ tại khu vực Đèo Cao xảy ra từ tháng 11-2016 nhưng đến ngày 15/3/2017, lực lượng chức năng mới bắt giữ chị Thanh, anh Thuấn khi đang trồng rừng và quá trình tố tụng kéo dài cho tới ngày 6/02/2018, Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ mới đủ điều kiện xét xử sơ thẩm vụ án phá rừng phòng hộ, tuyên phạt người phụ nữ dân tộc Dao này 3 năm tù giam, đền bù thiệt hại cho chủ rừng là UBND xã Cây Thị trên 56 triệu đồng. Anh Vũ Văn Thuấn cùng phải chịu hình phạt tù giam, đền bù tương tự như chị Bàn Thị Thanh. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, cả hai bị cáo đều kêu oan, kháng án lên tòa phúc thẩm. Vừa qua, Toà án Nhân dân tỉnh đã xét xử phúc thẩm vụ án phá rừng phòng hộ và hai bị cáo Bàn Thị Thanh, Nguyễn Văn Thuấn vẫn bị tuyên y án sơ thẩm nên bị cáo tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan tố tụng Trung ương.