Hiện nay, tại một xóm, tổ dân phố thuộc địa bàn huyện Đại Từ, nơi có đường dây điện cao thế đi qua đang tồn tại nhiều điểm vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
Ngày 9-9, tại cột 9-10 của đường dây 110kV lộ 171E6.12 Núi Pháo – 172E6.19 thuộc địa bàn tổ dân phố Đá Mài, thị trấn Hùng Sơn đã xảy ra sự cố. Nguyên nhân do người dân chặt cây làm đổ vào đường dây, may mắn không có thiệt hại về người. Vườn cây này của ông Vũ Văn Truyền bán lại cho ông Vũ Đình Khoa để khai thác.
Sau khi xảy ra sự cố, Chi nhánh Lưới điện cao thế Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) và đại diện tổ dân phố tiến hành lập biên bản hiện trường, khắc phục sự cố. Điều đáng nói, việc gia đình ông Truyền trồng cây lâu năm vi phạm hành lang lưới điện dù đã được tuyên truyền, vận động, nhưng gia đình ông vẫn cố tình trồng keo dưới hành lang lưới điện.
Ngoài gia đình ông Truyền, hiện nay, tại một số đường dây cao thế trên địa bàn huyện cũng đang tồn tại những điểm vi phạm tương tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt là đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên. Tuyến đường dây đi qua địa phận 10 xã thuộc huyện Đại Từ có tổng chiều dài 28,45km. Kết quả kiểm tra rà soát giữa tháng 9-2018, cơ quan quản lý vận hành đường dây ghi nhận: Tại gia đình bà Nguyễn Thị Tuất, xóm Trung Na 1, xã Tiên Hội, có trồng 4 cây xoan trong hành lang tại khoảng cột 142 - 143. Tại hành lang xung quanh vị trí cột 143, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, xóm Trung Na 1, xã Tiên Hội đã trồng khoảng 20 cây keo và xoan. Đến nay, số cây này có chiều cao từ 16-17m, gần chạm đường dây. Ngoài ra, tại khoảng cột 148 - 149, gia đình ông Nguyễn Văn Bình, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn, cũng trồng một số cây keo có chiều cao 3-5m. Gia đình này từng được cưỡng chế chặt cây vào thời điểm tháng 11-2016 do vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Ông Đinh Nho Hợi, Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3, Công ty Truyền tải điện 1, cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý, vận hành, sửa chữa đường dây, chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ trên dọc tuyến đường dây để phát hiện, xử lý và theo dõi các nguy cơ gây mất an toàn đường dây. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp để các hộ dân ở dưới hành lang an toàn lưới điện hiểu, không vi phạm quy định, tránh những hậu quả đáng tiếc. Đối với các hộ nêu trên, chúng tôi đều đã nhiều lần vận động, thuyết phục, nhưng các hộ chỉ cho chặt một số cành, ngọn cây đã vi phạm khoảng cách an toàn, hầu hết các hộ này đều rất khó tiếp cận, có hộ có những hành động chống đối, xây tường rào bao quanh, không cho cán bộ vào kiểm tra với lý do đền bù chưa thỏa đáng.
Được biết, ngay từ khi thi công xây dựng, công trình đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên đã vấp phải sự cản trở của một số hộ dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là những gia đình có nhà cửa, công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện đòi có cơ chế đền bù để di chuyển nhà ra khỏi hành lang an toàn lưới điện. Vì thế, họ đã làm đơn khiếu kiện và cố ý trồng các loại cây lâu năm vào khu vực hành lang lưới điện nhằm gây sức ép.
Trước mối nguy hiểm về an toàn lưới điện hiện nay, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân, kiểm tra liên tục sự phát triển của cây khi vi phạm hành lang an toàn cần kịp thời xử lý ngay. Và hơn ai hết những người dân sinh sống trong hành lang an toàn lưới điện cần phải nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật, không trồng cây, xây các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bảo vệ sự an toàn của chính mình và người thân, tránh xảy ra những điều đáng tiếc.