Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5, thông qua vào tháng 10 năm 2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Hoàn thiện những quy định về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thúc đẩy bình đẳng giới thực chất
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) (sau đây gọi là dự án Luật) và các cơ quan liên quan đang tập trung thay đổi cách tiếp cận, hoàn thiện các quy định đối với bốn nội dung về thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động. Đó là: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ. Hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo; hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh, việc hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Luật cần kế thừa các quy định hiện hành đang phát huy hiệu lực.
Thứ nhất, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong Bộ luật Lao động năm 2012, phù hợp với nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định chính sách và các biện pháp của Nhà nước Việt Nam bảo vệ lao động nữ, bảo vệ bà mẹ phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới và Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW), các công ước liên quan của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Dự thảo Luật lần này tiếp tục dành một chương về lao động nữ. Quy định này dựa theo tinh thần tạo cơ sở pháp lý bảo vệ lao động nữ khi thực hiện chức năng sinh sản, làm mẹ; đồng thời hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, thu hẹp khoảng cách giới trong các quan hệ lao động bằng việc lồng ghép bình đẳng giới trong nhiều chương, điều khác của dự thảo Luật.
Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới đã được thể hiện trong pháp luật lao động, qua quá trình thực hiện lâu dài, ổn định trong thực tế, đã được nhân dân đồng tình, người lao động và người sử dụng lao động đều chấp nhận thì phải giữ nguyên và tiếp tục quy định trong dự thảo Luật. Thí dụ như, trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với lao động nữ đang mang thai; người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi trong Bộ luật Lao động năm 2012...
Sửa đổi những bất cập
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng cho hay, những quy định bất cập, chưa phù hợp tiêu chuẩn lao động quốc tế phải được đánh giá đầy đủ, toàn diện để sửa đổi, bổ sung. Điều này thể hiện trong những nội dung như: cách biệt năm năm trong tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, những quy định cấm sử dụng lao động nữ làm hạn chế quyền lựa chọn việc làm, cơ hội có việc làm và thu nhập đối với lao động nữ.... Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật lao động với các luật liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta trong lĩnh vực lao động.
Ông Hà Đình Bốn khẳng định, đối với những quy định mang tính nhân văn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các tiêu chuẩn điều ước quốc tế, nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt, tính khả thi cao trong thực tiễn sẽ cần tiếp tục khẳng định. Qua đó quy định rõ các chính sách, giải pháp, cơ chế nguồn lực cũng như tổ chức để bảo đảm thực hiện.
Ngoài ra, quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được đề cập trong Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, chế định này đề cập chưa được rõ nét. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Từ đó tạo thuận lợi cho áp dụng trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao.
* Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra hai phương án:
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Phương án 1: Kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm ba tháng đối với nam, và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi so với quy định.
- Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao/ làm công tác quản lý/ một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi so với quy định.