Vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn: Bản án có đảm bảo khách quan?

16:49, 05/10/2018

Báo Thái Nguyên số ra ngày 21-9-2018 có đăng tải bài viết “Một vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn: Còn những tình tiết cần được làm rõ”. Bài viết phản ánh việc bà Đoàn Thị Tuyết (cư trú tại tổ 12, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên) cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm về tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa bà và ông Cung Minh Ngọc (cư trú tại tổ 4, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) thiếu khách quan, gây thiệt hại cho bà. Liên quan đến vụ việc này, bà Tuyết cũng cho biết, việc Công an phường Trưng Vương không kết luận điều tra, không trả lời rõ ràng về việc bà trình báo bị ông Ngọc lấy trộm giấy tờ nhà đất và tiền là yếu tố quan trọng khiến các bản án thiếu khách quan.

 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư T.P Hà Nội), Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ đã có những phân tích pháp lý và nêu quan điểm về vụ việc này. Theo Luật sư Tuấn, trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tố tụng đã có một số thiếu sót khiến bản án không đảm bảo khách quan. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Thái Nguyên với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

PV: Theo ông, việc Tòa án không công nhận giấy thỏa thuận ông Cung Minh Ngọc tự nguyện để lại toàn bộ tài sản cho bà Đoàn Thị Tuyết (dù bản gốc bị mất - bà Tuyết khẳng định là do ông Ngọc lấy trộm cùng với giấy tờ nhà đất và bà đã làm đơn báo lên Công an phường, nhưng còn bản sao và tất cả nhân chứng đều xác nhận nội dung thỏa thuận này), có thỏa đáng và thấu tình đạt lý không?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về Đánh giá chứng cứ, quy định: 1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; 2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.”

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Tuyết đã đưa ra chứng cứ là giữa bà và ông Ngọc có giấy thỏa thuận phân chia tài sản (dù chỉ còn bản sao), đồng thời chỉ ra các nhân chứng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xác minh, xem xét, đánh giá chứng cứ này là không đúng quy định tại Điều 97 và Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, dẫn đến việc xét xử vụ án không đảm bảo khách quan, gây thiệt hại cho bà Tuyết (theo bản án, bà Tuyết phải trích trả 300 triệu đồng từ giá trị mảnh đất bà đang ở cho ông Ngọc - PV).

Ngoài ra, trong trường hợp này đáng lẽ Tòa án phải xác minh, xem xét tình tiết bà Tuyết tố cáo ông Ngọc vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình (chưa ly hôn đã bỏ nhà đi sống với người phụ nữ khác và có con riêng), có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Sau khi xác minh, nếu đủ căn cứ ông Ngọc vi phạm pháp luật hình sự thì khởi tố hoặc đề nghị cơ quan điều tra khởi tố theo quy định.

PV: Liên quan đến vụ việc, bản án phúc thẩm được tuyên ngày 29-8-2018 nhưng trước đó, ngày 20-11-2016, bà Tuyết đã làm đơn tố cáo ông Ngọc lấy trộm giấy tờ nhà đất, giấy thỏa thuận tài sản và tiền (bà Tuyết khẳng định có nhiều nhân chứng và chính ông Ngọc cũng thừa nhận với các con ông về việc này). Tuy vậy, theo bà Tuyết, từ đó đến nay, Công an phường Trưng Vương không kết luận điều tra, không trả lời rõ ràng cho bà. Ông đánh giá như thế nào?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Việc Công an phường Trưng Vương chậm giải quyết đơn tố cáo của bà Tuyết trong trường hợp này là vi phạm nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, Công an phường nhận được đơn tố cáo nhưng không giải quyết, không chuyển vụ việc lên Cơ quan cảnh sát Điều tra – Công an T.P Thái Nguyên là không đúng quy định tại Điều 27, Thông tư số 28/2014/TT – BCA ngày7/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân.

Điều 27. Trách nhiệm trong tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm

1. Công an cấp xã, đồn, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm...
2. Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm (kể cả trường hợp tự phát hiện trong khi làm nhiệm vụ), Công an cấp xã, đồn, trạm Công an có trách nhiệm xác minh sơ bộ ban đầu để phân loại. Nếu xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đó kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; trường hợp xác định thông tin đó không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thì xử lý theo quy định khác của pháp luật.).

Việc Công an phường Trưng Vương không xử lý kịp thời, đúng quy định đơn tố cáo của bà Tuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án chia tài sản. Cụ thể là nếu đúng có thỏa thuận chia tài sản trước đó thì ông Ngọc không còn quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản.

PV: Hiện nay, Tòa phúc thẩm đã tuyên nhưng bà Đoàn Thị Tuyết không tán thành bản án. Trong trường hợp này, ông có lời khuyên gì để bà Tuyết bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã bỏ qua chứng cứ ông Ngọc và bà Tuyết từng thỏa thuận bà Tuyết có quyền sử dụng toàn bộ tài sản. Nếu bà Tuyết không đồng ý với bản án phúc thẩm thì có quyền khiếu nại lên Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án phúc thẩm./

PV: Trân trọng cảm ơn ông!