Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ mong muốn sẽ có một cuộc cách mạng thực sự, để lực lượng điều tra - những người giữ cửa “đầu vào” của công tác tố tụng nước nhà ngày càng trong sạch, vững mạnh, lấy lại lòng tin của Đảng, cử tri và nhân dân.
Chiều ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật… năm 2018.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội vì khẳng định khá đầy đủ bức tranh về hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có hoạt động của cơ quan điều tra.
Dẫn chứng điều tra các vụ án tham nhũng lớn như: Vũ "nhôm", Út "trọc", đại án trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, gần đây nhất là khám phá vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng…, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá vai trò của công tác điều tra rất quan trọng và công lao của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng điều tra là vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay, điều đáng tiếc là trong quá trình điều tra vẫn còn có những con người không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, thậm chí có những kẻ dám dùng trang phục và bộ quân hàm cao quý, nghiệp vụ chuyên môn Nhà nước trang bị để lội ngược dòng đạo lý, điển hình như trong các vụ: Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm, Huỳnh Văn Nén… Những vụ án oan đó đều khởi nguồn từ hoạt động điều tra có sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật tố tụng.
Nhắc lại các vụ án gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra qua các vụ án này cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan điều tra chưa quan tâm quyết liệt trong việc xử lý các tin báo tố giác, tố cáo của công dân, dẫn đến các đại án đã bị che mờ, chưa được ngăn chặn kịp thời, đến khi đưa được vào luồng xử lý thì đã ảnh hưởng nghiêm trọng thể chế kinh tế -xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ mong muốn rằng sẽ có một cuộc cách mạng thực sự lĩnh vực này, để lực lượng điều tra - những người giữ cửa “đầu vào” của công tác tố tụng nước nhà ngày càng trong sạch, vững mạnh, lấy lại lòng tin của Đảng, cử tri và nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá: Năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến mới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đại biểu Hữu Cầu cho rằng, cần nghiêm khắc nhìn nhận để thấy trong thời gian gần đây một số cán bộ cấp cao của lực lượng công an nhân dân có nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành công an, gây bất bình trong dư luận. Những sai phạm này đã được Đảng uỷ công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an kiên quyết chỉ đạo, phát hiện kịp thời, điều tra xử lý nghiêm minh, công bằng trước pháp luật, cho dù họ là ai. Và điều quan trọng hơn là các sai phạm này phần lớn là do lực lượng công an tự phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý làm trong sạch nội bộ, không hề có sự bao che.
Dẫn báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tố tụng điều tra ở cấp trung ương còn chiếm tỷ lệ cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề đáng phải suy nghĩ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phản ánh: Cử tri không chỉ thấy rõ các hạn chế này qua báo cáo, còn thấy rõ qua các vụ án xét xử. Ví dụ vụ hiếp dâm của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu phải xử đi xử lại, vụ án VN Farma, phải xử tuyên bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm, vụ chạy thận nhân tạo; vụ xe container đâm xe Innova trên đường cao tốc phải trả hồ sơ để xử lại. Viện trưởng VKSND tối cao cũng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo ngành còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
“Tôi đánh giá cao các ý kiến trên của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao rất đúng, rất chuẩn, rất thẳng thắn”, đại biểu Trí nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tư pháp và cả hệ thống chính trị, cần phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, đó là chủ động từ chức.
“Nếu có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, không đủ năng lực thì nên chủ động từ chức. Còn hơn một năm nữa phải chuẩn bị cho một đội ngũ cán bộ chiến lược cho Trung ương khóa XIII sắp tới, nhân dân mong muốn người không còn uy tín chịu trách nhiệm hãy chủ động từ chức, "đừng như con lươn, con chạch mà leo cao, trái với ý Đảng, lòng dân", đại biểu Trí thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Quốc hội cho xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Đảng./.