“Ngành y khám cho người sống đã khó huống hồ bắt người chết phải nói lên sự thật khó hơn rất nhiều”, đây là ý kiến nêu lên khó khăn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, sáng 22/11, tại Hà Nội.
Phục vụ tốt hoạt động tố tụng
Tổng kết 5 năm Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Luật đã đi vào đời sống xã hội, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định về giám định tư pháp ở các lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện thiết chế tổ chức, cơ chế hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp; đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.
Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, hoạt động giám định tư pháp chủ yếu là được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, còn lại là trưng cầu giám định của các cấp tòa án, cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Lĩnh vực giám định được trưng cầu chủ yếu là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự (90%), các lĩnh vực giám định về: Xây dựng, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư... có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Hiện nay, tổng số giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực là 6.154 người; số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải... Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Luật Giám định tư pháp bộc lộ nhiều bất cập
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), sau 5 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp được ban hành (trên 40 văn bản từ Nghị định đến Thông tư, Thông tư liên tịch) nhưng vẫn còn chưa đầy đủ, chất lượng một số văn bản hướng dẫn thực hiện cũng còn hạn chế, chưa rõ ràng, cụ thể nên khó thực hiện.
Một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng... nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu gặp khó khăn.
Đặc biệt, điều 14 của Luật Giám định tư pháp quy định cho phép thành lập Văn phòng Giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới có 1 Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại TPHCM nhưng hoạt động cầm chừng, hạn chế, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cũng theo đánh giá của các địa phương và bộ, ngành có liên quan lĩnh vực mà xã hội thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên, cần cho phép thành lập Văn phòng Giám định tư pháp như giám định tài liệu, AND, số khung, số máy… thì lại không được thành lập. Do đó, nhiều địa phương cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với thực tế và kiến nghị cần phải sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi lĩnh vực cho phép thành lập Văn phòng Giám định tư pháp cho phù hợp với yêu cầu thực tế và có tính khả thi.
Nhiều loại việc trong một số lĩnh vực giám định mà địa phương không giám định được như xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ... cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám định ở cấp Trung ương, gây quá tải cho tổ chức đó và làm kéo dài thời gian làm giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Cần chính sách thu hút giám định viên giỏi
Làm rõ hơn thực trạng “muôn vàn khó khăn” của người làm công tác giám định, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tuyển đầu vào giám định viên hiện nay rất khó khăn: “Ngành y khám cho người sống đã khó, huống hồ bắt người chết phải nói lên sự thật khó hơn rất nhiều”. Bởi lẽ, theo Thứ trưởng, hiện nay các bác sỹ giỏi đều không muốn vào lĩnh vực này. Thực tế, Bộ muốn lập thêm một số Viện Pháp y ở một số khu vực nhưng không thể tìm kiếm được nhân lực. Do đó, Thứ trưởng cho rằng vấn đề cần quan tâm đó là nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị phục vụ giám định.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thu Thủy phản ánh tình trạng quá tải ở cấp Trung ương do Luật Giám định Tư pháp không có quy định về phân cấp. Trong khi nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp nhưng bị khống chế bởi thời gian hoàn thành giám định. “Cần bổ sung quy định về phân cấp theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương tiến hành trưng cầu ở Trung ương, địa phương thì trưng cầu ở địa phương”, bà Thủy nói.
Cũng trong tình trạng quá tải, đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hà Nội) cho biết, hiện phòng có 2 giám định viên, trong khi mỗi năm phải giám định khoảng 400 vụ án, giám định pháp y là công việc vô cùng vất vả, trong khi chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, do đó rất khó thu hút cán bộ vào ngành. Đồng tình với nhiều kiến nghị phải nghiên cứu thận trọng việc mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định, đại diện này cho rằng, những việc liên quan đến pháp luật thì phải giám định công lập làm. Đồng thời, cần có quy định chặt chẽ các tiêu chí lập Văn phòng Giám định như phải bảo đảm về số lượng, chất lượng giám định viên, cơ sở vật chất...
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cũng nhấn mạnh: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng trong tình hình mới. Nhất là, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng khắc phục các sơ hở, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình mới. Trong đó, bổ sung quy định về thời hạn tối đa thực hiện giám định để tránh tình trạng giám định chậm trễ, kéo dài hoặc có trường hợp cơ quan trưng cầu ấn định thời gian quá ngắn, chưa phù hợp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận những kết quả công tác giám định tư pháp đã đạt được trong 5 năm thực hiện Luật. Theo đó, thể chế ngày càng được hoàn thiện; tổ chức nhân sự ngày càng được kiện toàn; kinh phí, chế độ cho người làm giám định tăng; nhận thức của các ngành về công tác giám định ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác giám định, trong đó có những bất cập trong các quy định của Luật hiện hành. Hội nghị tổng kết sẽ là nguyên liệu “đầu vào” để sửa Luật Giám định trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ: Công an, Y tế, Quốc phòng tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các Đề án về giám định; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giám định viên. Công việc giám định đa dạng, phức tạp, liên quan nhiều bộ, ngành, nếu dồn một chỗ thì sẽ không khả thi. “Trong khi kinh phí hạn chế và việc giảm biên chế vẫn phải thực hiện thì các ngành vẫn phải tiếp tục chung tay phối hợp, cộng đồng nguồn lực và trí tuệ trên nền ý thức đạo đức công vụ và tinh thần sẵn sàng vì công việc để nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.