Theo Tùy viên cảnh sát Pháp, mô hình công an xã tại CH Pháp đang được triển khai xây dựng và có nhiều bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Những vấn đề về an ninh trật tự ở nông thôn hiện nay đang đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Trong khi đó, lực lượng bán chuyên trách được giao bám cơ sở lại đang bộc lộ nhiều hạn chế về trình độ và năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, việc bố trí lực lượng chính quy hóa làm công an xã trong thời điểm hiện nay là điều cần thiết và hợp lý.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về mô hình tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự địa bàn cơ cở, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với thiếu tá Olivier Lefevre, Tùy viên cảnh sát Pháp tại Việt Nam về mô hình công an xã tại Cộng hòa Pháp. Đây là mô hình đang được triển khai xây dựng và có nhiều bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam khi bố trí lực lượng chuyên trách đảm bảo anh ninh trât tự ở địa bàn nông thôn hiện nay.
PV: Vì sao lực lượng công an xã được xác định là một trong 3 lực lượng quan trọng của nước Cộng hòa Pháp, thưa ông?
Thiếu tá Olivier Lefevre: Trước hết, đây là lực lượng có bề dày lịch sử, được hình thành từ thế kỷ XVI- XVIII. Thời điểm đó, lực lượng công an xã được xây dựng để bảo vệ chủ quyền của từng xã. Đến khi cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789, chế độ mới không thừa nhận hệ thống công an xã trong quá khứ và lập ra hệ thống công an xã theo chế độ mới, theo điều luật ngày 14/12/1789.
Quả thật, sự hình thành của lực lượng công an xã xuất phát từ nhu cầu của người dân trước những nguy cơ không an toàn. Hơn nữa, phần lớn người dân ở các địa phương cũng như các cán bộ dân cử đều thấy rằng, khi hình thành đội ngũ công an cấp xã như vậy vừa đảm bảo an ninh lại rất gần gũi với người dân địa phương và đáp ứng được những điều kiện đặc thù của địa phương. Mặc dù, tổ chức lực lượng như thế đòi hỏi chi phí cũng như công tác tổ chức không đơn giản nhưng họ vẫn sẵn sàng hình thành lực lượng này. Và lực lượng đó đã tồn tại trong suốt thời gian dài.
Riêng đối với thành phố Paris có đặc thù riêng. Ở đó không có lực lượng như công an cấp xã như các đơn vị cấp xã khác của Pháp mà có một cơ quan được gọi là đơn vi phụ trách về Bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa, trong đó có những cán bộ phụ trách về những chức năng như công an cấp xã.
PV: Ông có thể chia sẻ sự khác biệt giữa Cảnh sát quốc gia và Công an cấp xã ở Cộng hòa Pháp?
Thiếu tá Olivier Lefevre: Ở cấp xã, lực lượng cảnh sát trực thuộc các thị trưởng hoặc trưởng xã và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, thậm chí là cả vấn đề vệ sinh môi trường của khu vực địa phương của mình. Trong khi đó, Cảnh sát quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.
Trước hết, cảnh sát cấp địa phương, cụ thể ở đây là các cấp xã phải bảo đảm vấn đề an ninh trật tự ở địa bàn đó có an toàn không? Trong trường hợp có sự cố, họ sẽ cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể báo cáo lên thủ trưởng cũng như báo cáo với lực lượng Cảnh sát quốc gia để tìm ra các giải pháp để xử lý. Qua đó, chúng ta thấy, giữa công an thành phố hay là công an cấp xã và cảnh sát quốc gia là hai lực lượng có quy chế và phương thức hoạt động khác nhau.
Quay trở lại các thách thức, hiện tại công an xã phải đương đầu nhiều thách thức. Tôi nghĩ rằng, điều đó cũng liên quan đến sự biến chuyển trong xã hội. Nguy cơ rõ nét nhất mà chúng ta có thể biết đến, đó là bị tấn công bởi nạn khủng bố. Đặc biệt là khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Khi nhắm vào đối tượng này, người ta không cần phân biệt đó là Cảnh sát quốc gia hay công an cấp xã.
Tuy nhiên, các phần tử hồi giáo cực đoan không phải là những thủ phạm duy nhất tấn công cảnh sát mà ngay những kẻ tội phạm thông thường cũng có thể tấn công cảnh sát. Đó là những vấn đề trước mắt mà lực lượng công an cấp xã cần phải xem xét.
PV: Tại nước Pháp, trong quá trình xây dựng mô hình, tổ chức biên chế, trang thiết bị phương tiện cũng như đào tạo, tuyển dụng lực lượng công an xã đã phải gặp những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
Thiếu tá Olivier Lefevre: Thứ nhất là vấn đề đào tạo. Bây giờ, lực lượng công an xã phải đương đầu với những vấn đề không chỉ của địa phương như trước đây mà cả những vấn đề như chống tội phạm. Vì vậy, phải chăng chúng ta cũng phải đào tạo cho họ có những kỹ năng như lực lượng của Cảnh sát quốc gia.
Vấn đề thứ hai là trang thiết bị cho lực lượng công an xã. Bởi, lực lượng công an xã như chúng ta thấy rằng khi họ mặc quân phục không có sự khác biệt mấy so với Cảnh sát quốc gia. Tội phạm khi tấn công lực lượng công an xã, họ không phân biệt đâu là công an xã đâu là lực lượng Cảnh sát quốc gia. Công an xã không được trang bị vũ khí, như vậy họ không có khả năng trấn áp tội phạm như lực lượng cảnh sát quốc gia.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, ví như có nên trang bị cho lực lượng công an xã như lực lượng Cảnh sát quốc gia hay không. Cho đến hiện tại vấn đề này chưa có câu trả lời dứt khoát ở Pháp.
Gần đây Quốc hội có báo cáo và sau đó có chuyển cho Thủ tướng Pháp xem, nhưng vẫn chưa có được kết luận cuối cùng. Hiện, thị trưởng, trưởng xã nào thấy việc trang bị trang thiết bị, vũ khí cho lực lượng công an xã của mình là cần thiết thì phải đưa ra được lý do. Trong những trường hợp cần thiết trưởng xã hoặc thị trưởng có thể nêu ra lý do chính đáng để trang bị vũ khí cho lực lượng công ân xã của mình. Đó là những thực tế ở Pháp mà hiện nay đang đặt ra.
Trên thực tế hiện tại, lực lượng công an xã cũng được trang bị vũ khí với tỷ lệ 84%, và không nhất thiết lúc nào cũng phải là súng có thể là súng điện có thể là dùi cui, đạn hơi cay.
Một vấn đề đặt ra nữa đó là vấn đề đào tạo. Chúng ta thấy rằng công an xã bây giờ phải giải quyết những vấn đề trước đây họ phải đương đầu, cho nên việc đào tạo các kỹ năng cần thiết cũng rất quan trọng. Có nghĩa chúng ta phải hình thành các trường đào tạo cho công an xã, tương đương như việc chúng ta có những trường đào tạo cho các quân nhân sau này trở thành lực lượng Cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, tùy theo sự lựa chọn mô hình cảnh sát như thế nào thì chúng ta có những hướng phát triển rất là khác nhau.
PV: Nếu Việt Nam xây dựng lực lượng công an chính quy, phụ trách địa bàn nông thôn, theo ông những bài học kinh nghiệm nào từ mô hình công an xã của Pháp mà Việt Nam có thể rút ra?
Thiếu tá Olivier Lefevre: Việt Nam lựa chọn mô hình công an xã là chính quy. Nhưng mô hình chính quy đó có đặc thù như thế nào sẽ quyết định đến việc có thể học tập hay chia sẻ gì từ mô hình của Pháp.
Ví dụ, chúng ta thấy rằng, lực lượng công an xã có thể là một lực lượng bổ sung, khác biệt với lực lượng Cảnh sát quốc gia và trong trường hợp đó phải đi theo một hướng khác.
Hay có những trường hợp người ta thấy rằng, lực lượng cảnh sát, công an cấp xã như cánh tay nối dài của lực lượng cảnh sát quốc gia. Bởi, trong một số khu vực thì lực lượng cảnh sát quốc gia chưa đủ hiện diện để có thể đảm bảo an ninh khu vực đó. Bởi vậy, nó phải tùy thuộc vào việc mình lựa chọn hướng đi như thế nào thì chúng ta có được quyết sách đúng đắn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! /.