Những ngày đầu năm 2019, Tổ công tác của UBND xã Cù Vân, xã Tân Thái, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ và Ban Quản lý Rừng phòng hộ BVMT hồ Núi Cốc đi kiểm tra rừng tận gốc, đã phát hiện, bắt quả tang các đối tượng có hành vi sử dụng máy chuyên dùng san ủi rừng phòng hộ tại khu vực giáp ranh 2 xã Cù Vân và Tân Thái. Tổ công tác đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động san ủi, tạm giữ máy móc và đang thực hiện các bước xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, 2 máy chuyên dùng loại máy đào bánh lốp mà các đối tượng dùng để san ủi rừng phòng hộ đã được cơ quan chức năng tạm giữ tại sân Hạt Kiểm lâm huyện. Một xe mang biển kiểm soát 99LA-0183, do Hà Ngọc Luận, sinh năm 1981, cư trú tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cầm lái. Theo xác minh của cơ quan chức năng, đối tượng Luận đã thực hiện hành vi san ủi trái phép gây thiệt hại 500m2 rừng phòng hộ.
Chiếc xe thứ hai mang biển kiểm soát 34LA-0392 do Bùi Văn Thể, sinh năm 1984, thường trú tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cầm lái. Đối tượng Thể đã có hành vi san ủi trái phép gây thiệt hại 2.125m2 rừng phòng hộ.
Tại cơ quan chức năng, hai đối tượng cho biết, được ông Trần Xuân Chính, sinh ngày 28-8-1975, trú tại xóm Tân Thành, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) thuê san ủi diện tích rừng nói trên.
Qua xác minh, diện tích rừng bị xâm hại thuộc quyền sở hữu và sử dụng của vợ chồng ông Trần Văn Mến và bà Nguyễn Thị Hạnh, thường trú tại đội 13, xóm Bắc Máng, xã Cù Vân. Vợ chồng ông Mến, bà Hạnh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất rừng này từ năm 2008, với tổng diện tích 105.000m2, gồm 4 thửa tại tờ bản đồ số 57.
Về chủ thể quản lý, phần diện tích thuộc xã Tân Thái do Ban Quản lý Rừng phòng hộ BVMT hồ Núi Cốc quản lý; còn diện tích thuộc xã Cù Vân do UBND xã Cù Vân quản lý.
Căn cứ bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2013 của 2 xã, xác định toàn bộ diện tích bị san ủi đều là rừng phòng hộ thuộc khoảnh 6, tiểu khu 153 và khoảnh 9, tiểu khu 152.
Căn cứ Luật Lâm nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển rừng, lực lượng chức năng huyện Đại Từ đã xác định hành vi vi phạm của các đối tượng. Theo đó, cả 3 đối tượng đã vi phạm Điểm C, Khoản 2 và Khoản 5, Điều 20 của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản với mức phạt ở mức trung bình là 7,5 triệu đồng và 40 triệu đồng.
Về phương tiện, do là đi thuê (có hợp đồng thuê), nên cơ quan chức năng sẽ trả lại chủ sở hữu và áp dụng hình phạt bổ sung đối với đối tượng vi phạm. Giá trị xử phạt tương đương giá trị phương tiện vi phạm theo thời điểm định giá bằng 1-1,1 tỷ đồng.
Do giá trị tang vật, phương tiện bị tạm giữ vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện, nên Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã lập Tờ trình, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh để tiếp tục thụ lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, huyện đã có văn bản đề nghị các địa phương, Ban Quản lý Rừng phòng hộ BVMT hồ Núi Cốc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ. Huyện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Trạm kiểm lâm khu vực, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại khu vực rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Tân Thái. Tổ quản lý bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra rừng tận gốc khu vực phòng hộ, đặc biệt là khu vực giáp ranh 2 xã Cù Vân và Tân Thái, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Quan điểm của huyện Đại Từ là xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, không có chuyện tiếp tay hay bao che cho bất cứ hành vi vi phạm nào.