Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội đã diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Thế nhưng một số người dân vẫn mất cảnh giác và bị lừa đảo gây thiệt hại lớn về tài sản.
Gặp chúng tôi tại cơ quan điều tra Công an T.P Thái Nguyên, ông L. (xin được dấu tên) trú tại phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên buồn rầu kể vừa bị đối tượng lừa mất gần 156 triệu đồng. Đây là số tiền ông tiết kiệm bao năm để phòng lúc tuổi già, bệnh tật. Sự việc xảy ra vào cuối tháng 11/2018, hôm đó ông đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông đến số máy điện thoại cố định của gia đình. Người này tự giới thiệu là cán bộ công an và nói ông L. có liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và rửa tiền.
Sau khi dò hỏi thông tin, biết ông có gửi một số tiền tiết kiệm tại ngân hàng, đối tượng có lời đe dọa như: Tiền đó liên quan đến vụ án, là tiền bất hợp pháp, để phục vụ công tác điều tra, yêu cầu ông L. phải rút toàn bộ gần 156 triệu đồng đang gửi ngân hàng để chuyển vào số tài khoản mang tên một người phụ nữ và không được nói thông tin này với ai. Ông L. hỏi tại sao lai như vậy thì đối tượng nói số tài khoản đó là bí mật, sau 48 giờ nếu xác minh là tiền hợp pháp thì sẽ hoàn trả.
Khi chúng tôi thắc tại sao lại thiếu cân nhắc và làm như vậy, ông L. mếu máo: “Vì họ dọa nếu không chuyển thì sẽ bắt giam. Tôi sợ quá không nghĩ được gì, cũng không hỏi ý kiến ai nữa, cứ thế ra ngân hàng rút luôn tiền và gửi cho họ. Tôi đợi đến qua 48 giờ chẳng thấy thông tin gì cả, biết mình bị lừa nên mới nói sự việc với con trai và đến cơ quan công an trình báo”.
Với thủ đoạn tương tự, ông P. ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cũng bị hai đối tượng giả danh công an gọi đến số máy điện thoại cố định và đe dọa ông có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, đang có lệnh bắt và yêu cầu ông phải chuyển toàn bộ số tiền đang gửi ở ngân hàng cho chúng để xác minh điều tra. Do sợ hãi, ông P. đã rút số tiền tiết kiệm trên 196 triệu đồng ở ngân hàng rồi chuyển vào tài khoản của đối tượng.
Theo thông kê, từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ riêng địa bàn T.P Thái Nguyên đã xảy ra 29 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Zalo, Facebook và điện thoại với tổng số tiền thiệt hại trên 2,8 tỷ đồng. Trong đó, có 4 vụ đối tượng giả danh cán bộ công an lừa đảo qua điện thoại cố định, chiếm đoạt số tiền hơn 653 triệu đồng.
Thượng úy Đặng Văn Thọ, Đội Cảnh sát hình sự Công T.P Thái Nguyên cho biết: Đối tượng thường sử dụng số điện thoại có đầu số lạ, gọi vào máy cố định của người dân, giả danh cán bộ công an đang điều tra, xác minh vụ án để khai thác thông tin về tài sản cá nhân, đe dọa bị hại liên quan đến đường dây ma túy và buôn bán người nghiêm trọng. Sau đó yêu cầu bị hại chuyển hết tiền của mình vào tài khoản ngân hàng của chúng để phục vụ điều tra, chứng minh nguồn tiền trong sạch. Đồng thời yêu cầu không được tiết lộ với người khác để đảm bảo bí mật. Ngay sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức rút tiền và hủy số điện thoại liên lạc nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Đối với mạng xã hội như Facebook hay Zalo, đối tượng lừa đảo thường lập các tài khoản ảo để kết bạn làm quen hoặc gửi các tin nhắn với nội dung sẽ được nhận quà, trúng thưởng với giá trị rất lớn, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay hoặc chăm sóc khách hàng gọi điện đến số điện thoại của bị hại hướng dẫn thủ tục, đồng thời yêu cầu chuyển tiền là lệ phí nhận quà vào tài khoản cung cấp. Khi bị hại tin và làm theo, chúng nhanh chóng rút và cắt đứt liên lạc.
Ngoài ra, còn một thủ đoạn khác khá phổ biến trên mạng Internet là đăng tin rao bán các mặt hàng. Khi người tiêu dùng có nhu cầu đặt mua, thì sẽ bị yêu cầu đặt cọc từ 50% giá trị sản phẩm trở lên để đảm bảo. Tuy nhiện, thực tế sau đó đối tượng không hề chuyển hàng và chiếm đoạt luôn tiền đặt cọc. Cũng có khi đối tượng đánh cắp hoặc lập tài khoản mạng xã hội mạo danh, sau đó nhắn tin vay tiền, nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại...
Có thể thấy, những chiêu trò lừa đảo như đã nói ở trên không mới, vậy tại sao vẫn có nhiều người dính bẫy? Tiếp xúc với các nạn nhân và thực tế chúng tôi thấy rằng, chiêu trò lừa đảo đánh trúng vào tâm lý cả tin, hám lợi của nhiều người. Bị hại của các vụ lừa đảo thường là công nhân lao động, công chức nghỉ hưu ít hiểu biết về công nghệ.
Mặt khác, phương thức, thủ đoạn lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn. Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thường là một nhóm có sự phân công chặt chẽ. Chúng rất am hiểu, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, biết khai thác lòng tham của người bị hại để dụ dỗ, lừa gạt. Hầu hết bị hại khi tìm đến cơ quan điều tra khi sự việc đã rồi nên khó khăn cho công tác phá án. Các vụ lừa đảo mới đây một lần nữa là bài học để người dân đề cao cảnh giác, nhất là với những tin nhắn, cuộc điện thoại nghi ngờ cần liên lạc trực tiếp với những cá nhân, tổ chức có liên quan để xác thực. Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần kịp thời trình báo với cơ quan công an để xác minh, điều tra, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.